Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn sáng nay 1-8 thông báo thêm 1 trường hợp tử vong vì COVID-19. Ca thứ 3 tử vong là bệnh nhân 499, điều trị tại Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng.
Bệnh nhân tử vong do ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19
Sáng 1-8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, Trưởng Bộ phận thường trực đặc biệt chống dịch COVID-19 của Bộ Y tế tại Đà Nẵng, thông tin về trường hợp tử vong của bệnh nhân COVID-19.
Bệnh nhân 499 qua đời là bà T.T.B.T, 68 tuổi, mắc bạch cầu cấp dòng tủy kháng trị; đái tháo đường type 2; tăng huyết áp.
Theo lịch sử dịch tễ, bệnh nhân điều trị ung thư máu (leucemia) tại Khoa Nội Thần kinh Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, ra viện ngày 23-7.
Sau đó bà ho, sốt nên tái khám tại Bệnh viện Ung bướu. Do có dịch tễ nghi ngờ, bệnh viện đã chuyển bà đến khu cách ly, lấy mẫu xét nghiệm, ngày 30-7 cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Đến 19h ngày 31-7, bệnh nhân bị suy hô hấp nặng hơn. Các bác sĩ đã đặt nội khí quản, cho thở máy, hội chẩn trực tiếp với chuyên gia của Bộ Y tế đang có mặt tại Đà Nẵng.
Đến 22h30, hội chẩn và điều trị cho kết quả thất bại, bệnh nhân vẫn thở máy, vận mạch liều cao.
Đến 04h55 sáng 1-8, bệnh nhân ngừng tuần hoàn, hô hấp và được xác nhận tử vong vì suy hô hấp.
Theo giáo sư Nguyễn Gia Bình – Chủ tịch Hội Hồi sức cấp cứu, thành viên Tiểu ban điều trị, Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19, bệnh nhân tử vong do ung thư đường máu ác tính không đáp ứng hóa chất giai đoạn cuối, viêm phổi nặng và COVID-19.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 Đà Nẵng, bà B.T. trú tại đường Trần Cao Vân, Đà Nẵng. Trong vòng 14 ngày qua, bà chỉ ở nhà và đến bệnh viện điều trị, không đi đến nơi nào khác.
Đây là ca tử vong thứ 3 trong 2 ngày qua, sau bệnh nhân 437 (Đà Nẵng) và 428 (Quảng Nam). Cả ba trường hợp đều là người cao tuổi và có nhiều bệnh lý nền.
Hiện theo thống kê trong số 182 bệnh nhân đang điều trị, có 20 bệnh nhân nặng, nguy kịch, 22 bệnh nhân có tiến triển nặng lên.
2 bệnh nhân COVID-19 tử vong trước đó cũng mang bệnh lý nặng
Theo đó tình trạng của bệnh nhân 437 (nam, N.H.L., 61 tuổi, trú ở phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng) chuyển biến xấu ngay sau khi nhiễm COVID-19 và là bệnh nhân nặng nhất được ghi nhận trong những ngày gần đây, bệnh nhân cũng đã phải chạy ECMO (thiết bị thay thế tim phổi) sớm ngay sau khi nhiễm bệnh.
Bệnh nhân có tiền sử mắc suy thận mạn, đã điều trị suy thận và chạy thận nhân tạo, tăng huyết áp, đái tháo đường, rung nhĩ, gout tại Bệnh viện Đà Nẵng trong thời gian dài trước khi phát hiện mắc COVID-19 (ngày 27-7).
Ngày 23-6, bệnh nhân xuất hiện triệu chứng khó thở được chuyển vào viện khoa nội – tiết niệu với chẩn đoán suy bệnh thận mạn giai đoạn cuối, chạy thận nhân tạo chu kỳ 7 năm, tăng huyết áp, gout, rung nhĩ, suy tim, phù phổi cấp.
Từ ngày 9-7 bệnh nhân sốt cao liên tục. Đến ngày 17-7, bệnh nhân suy hô hấp, chuyển sang khoa hồi sức tích cực chống độc của Bệnh viện Đà Nẵng cùng ngày.
Đến ngày 27-7, bệnh nhân được xét nghiệm dịch hầu họng cho kết quả dương tính với virus SARS-CoV-2.
Ngày 29-7 bệnh nhân trụy mạch, huyết áp phụ thuộc vận mạch liều cao, bệnh nhân được làm ECMO.
Đây là trường hợp bệnh nhân rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Dù đã được các bác sĩ Bệnh viện Đà Nẵng tập trung cứu chữa nhưng đã tử vong vào chiều 31-7.
Nguyên nhân tử vong được xác định là sốc nhiễm trùng, suy đa tạng, ngừng tuần hoàn hô hấp trên bệnh nhân viêm phổi, suy thận mạn đang chạy thận định kỳ có bệnh kèm tăng huyết áp, gout, mắc COVID-19.
Theo tuoitre
Xem thêm
- PHƯỢNG HOÀNG LỬA trời Nam, RỒNG trời Bắc – Đất nước sẽ bình yên vượt qua đại dịch
- Việt Nam xuất hiện ca tử vong đầu tiên do dịch Covid-19
- Đối tượng nào không phải trả tiền khi xét nghiệm Covid-19?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!