Bệnh tuyến giáp là gì? Bệnh tuyến giáp là bệnh lý nội tiết xuất hiện do tình trạng bất thường về mặt cấu trúc, chức năng của tuyến giáp.
Đây là những nội dung trong bài viết này:
- Bệnh tuyến giáp là gì?
- Các loại bệnh tuyến giáp thường gặp
- Bệnh tuyến giáp ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nữ giới?
- Phòng tránh bệnh tuyến giáp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM.
Bệnh tuyến giáp là gì?
Là 1 tuyến nhỏ có hình cánh bướm nằm phía trước cổ dưới yết hầu, tuyến giáp là tuyến nội tiết quan trọng nhất, giúp điều hòa sự sinh trưởng và phát triển của cơ thể. Tuyến giáp sản xuất, dự trữ và giải phóng 2 hormone T3 (Triiodothyronine) và T4 (Thyroxine), các hormone này theo máu đi khắp cơ thể, chi phối tất cả hoạt động, bao gồm tốc độ đốt cháy năng lượng và nhịp tim. Những hoạt động này phối hợp với nhau tạo thành quá trình trao đổi chất.
Bệnh tuyến giáp là bất kỳ tình trạng lành tính hoặc ác tính nào ảnh hưởng đến cấu trúc, chức năng của tuyến giáp. Những hoạt động bất thường trong sản xuất các hormone tuyến giáp sẽ dẫn đến nguy cơ rối loạn chuyển hóa, nội tiết trong cơ thể.
Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh, TP.HCM: Có rất nhiều triệu chứng giúp bạn sớm phát hiện bệnh lý tuyến giáp như: thay đổi cân nặng, sưng cổ, rụng tóc, mệt mỏi, cảm thấy quá nóng hoặc quá lạnh,… Khi có dấu hiệu nghi ngờ, bạn cần đi gặp bác sĩ để được thăm khám, làm xét nghiệm và siêu âm tuyến giáp để có chẩn đoán và điều trị chính xác.
Các bệnh tuyến giáp thường gặp
- Cường giáp: tuyến giáp sinh ra nhiều hormone so với mức cơ thể cần. Biểu hiện phổ biến là thân nhiệt tăng, cân nặng giảm dù chế độ ăn không thay đổi, khó ngủ, mồ hôi nhiều, nhịp tim nhanh, huyết áp tăng, dễ cáu gắt, nói nhiều, khó tập trung, sờ thấy tuyến giáp to…
- Suy giáp: tuyến giáp hoạt động kém hiệu quả, không tiết đủ hormone Thyroxine. Triệu chứng bệnh rất mơ hồ nên ở giai đoạn đầu không dễ phát hiện. Người bệnh thường có cảm giác buồn ngủ, giảm trí nhớ, mệt mỏi, táo bón, chảy máu bất thường ở âm đạo, da khô, mắt và mặt bị phù nhẹ.
- U tuyến giáp: thường gặp nhất khi hoạt động tuyến giáp bị rối loạn. Khối u có thể cứng hoặc chứa dịch/máu. Cách tự kiểm tra là đứng thẳng trước gương, ngửa cằm nhẹ lên trên, kiểm tra 2 bên khí quản dưới yết hầu để tìm bướu. Nếu cục u chuyển động lên xuống khi nuốt nước bọt thì đó có khả năng là u tuyến giáp.
- Ung thư tuyến giáp: Là bệnh ác tính, ung thư tuyến giáp chiếm 1% trong các loại ung thư. Hầu hết bệnh nhân bị ung thư tuyến giáp đều bị u tuyến giáp.
Bệnh ảnh hưởng thế nào đến sức khỏe nữ giới?
Tuyến giáp giúp kiểm soát chu kỳ kinh nguyệt nữ giới cho nên việc tìm hiểu bệnh tuyến giáp là gì rất cần thiết. Chu kỳ có thể thay đổi nếu hormone tuyến giáp quá nhiều hoặc quá ít. Chu kỳ kinh nguyệt không đều là lý do làm việc thụ thai trở nên khó khăn hơn. Buồng trứng cũng có nguy cơ bị ảnh hưởng khi chị em mắc bệnh tuyến giáp dẫn đến mãn kinh sớm. Đặc biệt, bệnh suy giáp có thể làm cho cơ thể tiết ra nhiều prolactin ngăn ngừa rụng trứng, gây vô kinh, thiếu kinh, tăng nguy cơ vô sinh hiếm muộn ở nữ giới.
Ở mẹ mang thai, trong suốt 3 tháng đầu của thai kỳ, sự phát triển của em bé trong bụng phụ thuộc hoàn toàn vào chức năng tuyến giáp của mẹ. Nếu thai phụ bị bệnh lý tuyến giáp thì có thể gây ra những biến chứng hết sức nguy hiểm cho bé.
Mẹ bầu bị suy giáp có thể bị sảy thai, thai chết lưu, sinh non, rau bong non; thiếu hormone do thiếu I ốt làm trẻ bị đần độn, chậm phát triển trí tuệ, tăng nguy cơ mắc dị tật bẩm sinh. Thống kê cho thấy ½ số trẻ do mẹ bị suy giáp sinh ra bị chậm phát triển tâm thần vận động.
Trong trường hợp bị cường giáp mẹ dễ gặp các biến chứng như tiền sản giật, sảy thai, thai nhẹ cân… Nếu lên cơn cường giáp lúc sinh thì tính mạng cả mẹ và bé đều có thể bị ảnh hưởng.
-
Loading...You got lucky! We have no ad to show to you!
Cách phòng tránh bệnh tuyến giáp ở phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ mang thai
Bệnh lý tuyến giáp ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sinh hoạt hàng ngày của chị em. Mặc dù vậy chúng ta vẫn có thể ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh.
Bác sĩ Nam cho biết, để phòng ngừa bệnh lý tuyến giáp, bạn cần có chế độ dinh dưỡng hợp lí như: ăn nhiều hoa quả, rau xanh; bổ sung iot đầy đủ, nhất là phụ nữ mang thai. Ngoài ra, bạn nên tập thể dục thường xuyên, xây dựng lối sống lành mạnh, hạn chế các thức ăn chiên rán, đồ uống có chất kích thích, không sử dụng rượu bia, thuốc lá. Bên cạnh đó, bạn cũng nên kiểm tra sức khỏe định kì hàng năm để phát hiện sớm những bất thường và có phương pháp điều trị phù hợp.
Chị em mang thai càng cần chú ý bổ sung I ốt trong thai kỳ để phòng ngừa nguy cơ biến chứng, đồng thời giúp thai nhi phát triển trí tuệ. Bên cạnh đó phụ nữ cần được xét nghiệm sàng lọc bệnh lý tuyến giáp ngay cả khi không có nguy cơ cao hoặc không có triệu chứng.
Bạn đã biết bệnh tuyến giáp là gì. Có thể nói đây là căn bệnh phổ biến ở phụ nữ, gây ảnh hưởng chuyển hóa nhiều cơ quan trong cơ thể nhưng có thể được ngăn ngừa nhờ chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng lành mạnh. Chị em cũng nên khám sức khỏe định kỳ, kịp thời phát hiện bất thường và điều trị triệt để nhằm tránh ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe.