5 bệnh cần chú ý phòng, chống trong mùa mưa lũ hoành hành

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Mưa lũ ở miền Trung đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cả về người và của, kéo theo là những hệ lụy lâu dài đến sức khỏe người dân vùng lũ. Trước tình hình thiên tai ngày càng khốc liệt, mỗi người cần có ý thức tự bảo vệ bản thân và gia đình. Dưới đây là danh sách 5 bệnh thường gặp cần chú ý trong mùa mưa lũ và 1 số lưu ý cần thiết để đảm bảo sức khỏe cho người dân.

5 bệnh cần chú ý trong mùa mưa lũ

Bệnh về da

Sau mưa lũ, tại những vùng bị thiên tai lũ lụt, nguồn nước thường bị bẩn, ô nhiễm do các chất thải từ cống rãnh, bùn đất, xác động vật chết… lẫn vào nước nước sông, suối, ao hồ khiến vi khuẩn, virus và ký sinh trùng có điều kiện sinh sôi, phát triển, lan truyền mầm bệnh.

Người dân dễ mắc phải các bệnh về da (mẩn ngứa, mụn nhọt, nấm chân tay, nước ăn chân, ghẻ lở, viêm da, viêm nang lông, ghẻ lở, hắc lào, lang ben…). Để phòng tránh các bệnh về da, người dân nên:

  • Không mặc quần áo ẩm ướt, sử dụng nước bẩn để sinh hoạt
  • Không bơi lội, tắm gội hoặc chơi đùa trong nước ngập vì nước rất bẩn, ngoài gây bệnh ngoài da mà còn gây ra bệnh đường tiêu hoá do nuốt phải nước bẩn
  • Hạn chế lội vào chỗ nước bẩn tù đọng
  • Nếu bắt buộc phải lội vào nước bẩn thì ngay sau đó phải rửa ngay bằng nước sạch và lau khô, nhất là các kẽ ngón tay, ngón chân.

Bệnh đường ruột

Các bệnh về đường ruột và đường tiêu hóa (tiêu chảy do vi khuẩn E. coli, tả, lỵ, thương hàn, bệnh viêm gan A... cũng có nguy cơ bùng phát trong mùa mưa lũ. Bệnh xuất hiện do sử dụng nguồn nước không hợp vệ sinh, thực phẩm bị ô nhiễm.

Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần phòng bệnh bằng việc bảo đảm xử lý nước ăn uống, vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân:

  • Thực hiện nguyên tắc "Ăn chín, uống chín"
  • Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm;
  • Bảo đảm đủ nuớc sạch cho ăn uống, sinh hoạt
  • Rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh
  • Xử lý tốt nguồn phân, chất thải, rác thải và xác động vật chết
  • Uống hoặc tiêm vaccine phòng bệnh khi có chỉ định đối với các bệnh đã có vaccine.

Bệnh cần chú ý trong mùa mưa lũ: Bệnh lý đường hô hấp

Bệnh lý đường hô hấp như cảm lạnh, cúm, viêm họng, viêm đường hô hấp rất dễ gặp ở trẻ em và người già – những đối tượng có sức đề kháng yếu hơn. Người dân cần:

  • Giữ ấm khi thời tiết lạnh, nhất là trẻ em và người già
  • Hạn chế tiếp xúc với người có biểu hiện bị cúm, viêm đường hô hấp
  • Bảo đảm đủ dinh dưỡng
  • Chẩn đoán và điều trị kịp thời để hạn chế biến chứng.

Các bệnh về mắt

  • Mọi người cần lưu ý không rửa mặt hoặc tắm bằng nước bẩn
  • Không để trẻ em tắm gội, chơi đùa với nước bẩn
  • Rửa tay bằng xà phòng với nước sạch
  • Không dùng chung khăn mặt và chậu chung với người bị đau mắt đỏ
  • Tra thuốc nhỏ mắt (Chloramphenicol 0,4% hoặc Argirol 1%) cho tất cả những người có nguy cơ tiếp xúc với nước bẩn.

Bộ Y tế cũng khuyến cáo cần chú ý diệt ruồi vì ruồi truyền bệnh đau mắt đỏ từ người bệnh sang người lành.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Sốt xuất huyết là bệnh cần chú ý trong mùa mưa lũ

Một bệnh lý cần đặc biệt chú ý là bệnh sốt xuất huyết trong điều kiện thời tiết mưa lũ vừa qua.

  • Để phòng bệnh cần ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt kể cả ban ngày
  • Diệt loăng quăng, bọ gậy, xử lý các dụng cụ chứa nước không cho muỗi đẻ trứng
  • Phun hoá chất diệt muỗi ở các nơi có nguy cơ cao hoặc khu vực có ổ dịch sốt xuất huyết.
  • Khi bị sốt cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.

Cách xử lý nước sinh hoạt trong mùa mưa bão

Tại các khu vực bị ngập nước, các nguồn nước, công trình cấp, thoát nước, công trình vệ sinh bị phá hủy khiến tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt càng trở nên nghiêm trọng. Để có nguồn nước sinh hoạt an toàn sau mưa lũ, bảo đảm sức khỏe và phòng tránh các dịch bệnh xảy ra, Bộ Y tế khuyến cáo người dân  có thể sử dụng các biện pháp làm sạch nước đơn giản sau đây:

Bước 1: Làm trong nước bằng phèn chua hoặc vải sạch

  • Làm trong bằng phèn chua: Dùng phèn chua với liều lượng 1g phèn chua (một miếng bằng khoảng nửa đốt ngón tay) cho 20 lít nước. Múc một gáo nước, hoà lượng phèn tương đương thể tích nước cần làm trong cho tan hết, cho vào dụng cụ chứa nước và khuấy đều, chờ khoảng 30 phút cho cặn lắng hết xuống đáy rồi gạn lấy nước trong.
  • Nếu không có phèn chua thì có thể dùng vải sạch để lọc nước, giữ lại các cặn bẩn, làm vài lần cho đến khi nước trong (chú ý vải lọc bằng cotton để lọc nước đi qua được, cần thay vải khi thấy cặn trên vải lọc nhiều).
  • Trong trường hợp phải sử dụng nguồn nước bề mặt quá đục hoặc nhiều phù sa cần lọc bỏ bớt phù sa bằng các lớp vải màn trước khi làm trong nước.

Bước 2: Khử trùng nước

Sau khi nước đã được làm trong cần tiến hành khử trùng nước. Có thể khử trùng nước bằng hóa chất hoặc đun sôi.

Khử trùng nước bằng hóa chất

  • Đối với hộ gia đình: Thường khử trùng nước bằng Cloramin B. Hiện nay phổ biến nhất là viên Cloramin B 0,25g hoặc viên Aquatabs 67mg rất tiện lợi cho khử trùng các thể tích nước nhỏ như chum, vại, lu, xô, chậu hoặc bể chứa nước nhỏ. Một viên Cloramin B 0,25g có thể khử trùng được 25l nước, một viên Aquatabs 67mg có thể khử trùng được 20l nước trong.
  • Đối với nguồn nước cấp cho tập thể hoặc nhiều hộ gia đình sử dụng: Khử trùng bằng hoá chất bột (thường là Cloramin B loại 27% clo hoạt tính, Clorua vôi) và phải do cán bộ y tế chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện.
  • Khử trùng bằng hóa chất bột: Thường được sử dụng khử trùng lượng nước lớn. Lượng bột cần dùng được tính toán trên cơ sở nồng độ yêu cầu là 10mg Cloramine hoạt tính trong ll nước.

Cách khử trùng

  • Cho 1 viên Cloramin B 0,25g vào thùng đựng 25l nước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp, chờ 30 phút sau có thể sử dụng làm nước sinh hoạt được
  • Cho 1 viên Aquatabs 67mg vào thùng đựng 20lnước đã được làm trong, khuấy đều, đậy nắp chờ 30 phút có thể sử dụng được.
  • Đối với bột Cloramine B 27%, để khử trùng khoảng 300l nước: Hòa tan 3g bột Cloramine B 27% (tương đương 1/3 thìa canh) vào một gáo nước rồi đổ vào bể hoặc thùng chứa 300l nước đã được làm trong, trộn đều, đậy nắp chờ 30 phút là có thể dùng được.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Lưu ý khi khử trùng nước

  • Nước đã được khử trùng có thể sử dụng cho mục đích sinh hoạt. Tuy nhiên nước này vẫn phải đun sôi rồi mới uống trực tiếp được
  • Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn vì phèn làm mất tác dụng khử trùng của Clo.
  • Sau khi khử trùng ngửi thấy mùi Clo thì việc khử trùng mới có tác dụng. Nếu cho quá nhiều Clo thì mở nắp, chờ thêm nửa giờ hoặc 1 giờ cho bớt mùi nồng.

Đun sôi nước

Chỉ sử dụng nước để uống trực tiếp sau khi đã đun sôi. Nước sau khi đun sôi không được để quá lâu, nên thường xuyên đun nước mới hàng ngày để uống.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Trong trường hợp không có hóa chất khử trùng, chỉ ăn uống nước đã đun sôi kỹ, không ăn các loại rau sống rửa bằng nước chưa khử trùng.

Sử dụng các thiết bị lọc nước

Ngoài các biện pháp xử lý nước như trên, hộ gia đình có thể sử dụng thêm thiết bị lọc để xử lý nước. Hiệu quả lọc nước của thiết bị phụ thuộc vào chất lượng nước đầu vào, công nghệ lọc, tình trạng và chất lượng của thiết bị lọc, thời gian sử dụng…

Hiện nay có nhiều loại thiết bị lọc nước của nhiều hãng với các loại công nghệ khác nhau. Nên sử dụng những thiết bị đã được kiểm định, cấp phép của các cơ quan chức năng, đồng thời tuân thủ hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất để bảo đảm hiệu quả lọc nước.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Lưu ý, nước đầu vào của các thiết bị lọc nước phải là nước đã được làm trong, không dùng trực tiếp nước bề mặt từ ao hồ, sông suối, kênh rạch… để tránh bít tắc thiết bị lọc.

Xử lý nguồn nước sau bão lụt

Xử lý nước giếng khơi

  • Thau rửa giếng: Làm vệ sinh thành và nền giếng, khơi thông nước ngập lụt quanh giếng. Trước khi làm trong và khử trùng nước, phải thau vét giếng, lấy hết bùn, rửa thành giếng.
  • Làm trong nước: Dùng phèn chua liều lượng 50g/1m3 nước, nếu độ đục nhiều thì tăng lượng phèn chua nhưng tối đa 100g/1m3. Tán nhỏ, hoà tan hết phèn chua trong chậu. Cho nước phèn chua vào gàu múc nước thả mạnh xuống giếng rồi kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần và đợi 30 phút sau mới thực hiện bước khử trùng nước.
  • Khử trùng nước giếng: Ước lượng nước trong giếng khoảng bao nhiêu m3 (1 bi tương đương 1m3) cứ 1m3 hoà tan 10 - 20g Chloramine B tương đương 1 - 2 thìa canh (tuỳ thuộc vào độ đục của nước). Múc một gàu nước, hoà lượng hoá chất nói trên vào nước, khuấy đều cho tan hết hoá chất. Thả mạnh gàu xuống giếng, kéo gàu lên xuống khoảng 10 lần.

Lưu ý khi xử lý nước giếng khơi

  • Sau 30 phút múc nước lên ngửi có mùi Clo là dùng được. Nếu không ngửi thấy mùi Clo trong nước thì cho thêm khoảng 1/3 thìa bột Chloramine B quấy đều rồi cho vào giếng đến khi nào nước có mùi Chlo mới bảo đảm. Dùng nước giếng này tưới lên thành giếng để khử trùng
  • Sau 30 phút mới sử dụng nước (để phải đảm bảo lượng Clo dư (0,3 - 0,5mg/lít). Nếu lỡ cho quá nhiều choloramine B thì đợi đến khi nào bay hết mùi clo mới sử dụng.
  • Không tiến hành khử trùng đồng thời với đánh phèn. Nước sau khi đã làm trong, khử trùng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Đối với giếng khoan

  • Tháo dây cao su và ni lông bịt miệng giếng khoan. Cọ rửa vòi, cần và nền giếng khoan. Khơi thông cống rãnh quanh giếng. Bơm hết nước đục, sau đó bơm liên tiếp 15 phút nữa bỏ nước đi sau đó mới sử dụng.

Khuyến cáo của Bộ Y tế trong mùa mưa lũ

Bộ Y tế đề nghị các cơ quan, đơn vị và người dân chủ động, tham gia thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, dịch trong bão lụt và mưa lũ:

  • Bảo đảm lựa chọn thực phẩm và chế biến thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, ăn thức ăn nấu chín và nước đun sôi
  • Thường xuyên rửa tay với xà phòng trước và sau khi chế biến thực phẩm, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh
  • Vệ sinh cá nhân hàng ngày, rửa chân sạch và lau khô các kẽ ngón chân sau khi tiếp xúc với nước lũ, nước bị nhiễm bẩn
  • Người dân phải thường xuyên tiêu diệt loăng quăng/bọ gậy, diệt muỗi bằng cách đậy kín các bể, thùng chứa nước, thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, loại bỏ các phế thải như chai, lọ, lốp ô tô… hoặc các hốc nước tự nhiên để không cho muỗi đẻ trứng
  • Mắc màn khi ngủ kể cả ban ngày
  • Thường xuyên thau rửa bể nước, giếng nước, dụng cụ chứa nước và dùng hóa chất để khử trùng nước ăn uống và sinh hoạt theo hướng dẫn của nhân viên y tế
  • Thực hiện nguyên tắc nước rút đến đâu làm vệ sinh đến đấy, thu gom, xử lý và chôn xác xúc vật theo hướng dẫn của nhân viên y tế
  • Khi có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm bệnh, cần đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế gần nhất.

Nguồn tổng hợp

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!

Bài viết của

ZinVi