Xe tập đi và những tai nạn chực chờ trẻ nhỏ: Bé trai 6 tháng tuổi ngã tụ máu não, lún sọ

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Xe tròn tập đi là phương tiện hay được phụ huynh mua về cho trẻ khi con bắt đầu giai đoạn mới, tuy nhiên loại xe này tiềm ẩn nhiều nguy cơ không phải bố mẹ nào cũng lường trước được, như trường hợp bé trai 6 tháng tuổi bị ngã tụ máu não trong lần đi xe tròn đầu tiên mới được chia sẻ gần đây.

Xe tròn tập đi làm bé trai 6 tháng tuổi ngã tụ máu não

Bệnh viện đa khoa Hùng Vương (Phú Thọ) vừa tiếp nhận một trường hợp bé trai 6 tháng tuổi tới khám vì khối sưng vùng đầu. Theo bà của cháu bé, trước đó gia đình cho bé tập đi bằng xe tròn được buổi đầu thì bị ngã đập đầu xuống nền cứng. Sau khoảng 1 tuần, bé xuất hiện khối sưng vùng thái dương chẩm trái và được gia đình đưa đi khám.

Tại bệnh viện, bé trai được chụp cắt lớp vi tính sọ não và siêu âm phần mềm vùng sưng ở đầu, kết quả cho thấy hình ảnh ổ tụ máu ngoài màng cứng vùng thái dương - chẩm trái. Gia đình bệnh nhi đã được tư vấn nhập viện điều trị và hiện đang điều trị tại Khoa Chấn thương chỉnh hình.

Bé 8 tháng tuổi bị lún sọ vì ngã khi dùng xe tập đi

Các bác sĩ của Khoa Ngoại thần kinh - Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ đã phẫu thuật nâng xương lún cho bệnh nhi 8 tháng tuổi bị lún sọ thái dương đỉnh trái sau ngã.

Mẹ của bé trai (huyện Thanh Thủy, Phú Thọ) cho biết do bất cẩn đã để con ngồi trên xe tập đi một mình, không may chiếc xe cùng bé từ hiên nhà ở độ cao khoảng 1m lao xuống sân. Cú va chạm mạnh xuống đất đã khiến chóp đầu trái của bé bị lún sâu 1cm.

Gia đình đã đưa ngay bé đến Trung tâm y tế huyện Thanh Thủy. Do chấn thương nghiêm trọng nên bé nhanh chóng được chuyển lên tuyến trên, điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Thọ. Tại đây, bé được làm các xét nghiệm cận lâm sàng và được chẩn đoán lún sọ thái dương đỉnh trái.

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Cha mẹ nên cẩn thận khi cho bé tập đi

Bác sĩ Lý Lan Hương, Khoa Nhi, Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, khuyến cáo cha mẹ cần tìm hiểu độ tuổi phù hợp cho trẻ tập đi. Thông thường, trẻ 3 tháng tuổi có thể giữ được cổ cứng. Tháng thứ 5 - 6, trẻ có thể lật và trườn, chưa bò. Khi đến tháng thứ 8, bé làm chủ được khả năng ngồi và dễ dàng chuyển sang tư thế khác. Đến 10 tháng tuổi, bé có thể dần biết đứng lên và đi. Trẻ 6 tháng tuổi không nên được cho tập đi vì có thể gây tổn thương cột sống và dị tật ở nhiều xương khác.

Ngoài ra các bác sĩ cũng cảnh báo việc cho trẻ dùng xe tập đi mà không có sự giám sát của người lớn có thể dẫn đến nhiều nguy cơ:

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
  • Nguy cơ té ngã do phần lớn các loại xe tập đi đều có thiết kế bánh tròn nhỏ, tự lăn khi có lực đẩy. Tuy có thể giúp trẻ dễ di chuyển hơn, nhưng cũng có thể làm tăng nguy cơ té ngã ở trẻ
  • Tốc độ di chuyển của xe tập đi khá nhanh. Trẻ còn nhỏ không kiếm soát được tốc độ có thể gây ra nhiều tai nạn ngoài ý muốn.
  • Trẻ sử dụng xe tập đi quá sớm, hệ xương còn quá yếu không thể nâng đỡ được phần trên của cơ thể, lâu dần sẽ gây biến dạng xương, thậm chí dẫn đến gù lưng và chân vòng kiềng
  • Giảm khả năng vận động và trí thông minh ở trẻ: Một số nghiên cứu khác cũng chỉ ra rằng, trẻ tự tập đi sẽ thông minh và nhanh nhẹn hơn so với những bé biết đi thụ động nhờ xe tập đi.

Phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ

Té ngã là tai nạn sinh hoạt thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt khi các em không có sự giám sát trông chừng của người lớn. Khi người lớn ít lưu tâm, bất cẩn, không trông coi trẻ đúng cách dễ xảy ra tai nạn khiến trẻ ngã từ xe đẩy, trên võng, trên giường, trên cao xuống hoặc tuột khỏi tay người lớn.

Trẻ lớn hơn, nguy cơ té ngã trong các tình huống như trèo hoặc đứng trên ghế hoặc đồ vật kê không vững; đi hoặc chạy chơi ở những nơi ẩm ướt, trơn trượt như: nhà tắm, sàn nước, sàn nhà mới lau hoặc bị đổ nước, sân chơi.

Té ngã có thể gây tổn thương phần mềm (chảy máu ở da, cơ); tổn thương xương, khớp (bong gân, trật khớp, gãy xương); gây nguy hiểm do chấn thương sọ não (chấn động não, tụ máu, xuất huyết não).

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Để phòng tránh tai nạn cho trẻ nhỏ, phụ huynh cần lưu ý:

  • Phải luôn có người chăm sóc, theo dõi sát khi trẻ ăn, chơi, ngủ
  • Không để trẻ đã biết lật, bò, biết đi nằm trên võng hay trên giường khi không có người lớn bên cạnh
  • Cầu thang, cửa sổ, ban công cần có rào chắn hoặc thanh bảo vệ với độ cao tối thiểu 1m
  • Không để trẻ chơi trên sàn nhà ẩm ướt, trơn trượt
  • Không để trẻ dưới 10 tuổi trông trẻ dưới 3 tuổi
  • Khi trẻ bị té ngã, cần đưa đến cơ sở y tế thăm khám ngay lập tức kể cả khi không có biểu hiện gì.

Xem thêm

Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác

Bài viết của

ZinVi