Giải đáp thắc mắc bé mấy tháng biết theo mẹ

Khi mẹ đi khỏi tầm mắt thì bé còn có phản ứng khóc đòi cho đến khi mẹ quay lại. Đây là tâm lý bình thường của trẻ sơ sinh.

Bé mấy tháng biết theo mẹ? Bé bắt đầu biết theo và đòi mẹ trong giai đoạn từ 8 đến 12 tháng tuổi tuỳ vào sự phát triển của từng bé.

Nội dung bài viết:

  • Bé sơ sinh nhận ra mẹ như thế nào?
  • Bé mấy tháng biết theo mẹ?
  • Khi nào bé tự lập được?
  • Làm gì khi bé theo mẹ không rời?

Bé nhận ra mẹ như thế nào?

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh sử dụng ba giác quan để nhận ra mẹ của mình, đó là thính giác, khứu giác và thị giác. Khi mới sinh ra, do thị giác chưa phát triển nên bé chưa nhìn thấy rõ mặt mẹ.

Tuy vậy sau khoảng 48 giờ, bé đã có thể nhận ra mẹ qua mùi hương và giọng nói. Một số nghiên cứu còn cho thấy rằng trẻ sơ sinh thậm chí nhận biết được giọng nói của mẹ ngay trước khi chào đời nếu trong thời gian mang thai mẹ thường xuyên nói chuyện với thai nhi.

Nghiên cứu gần đây còn chỉ ra rằng những em bé chưa chào đời chủ động lắng nghe giọng nói của mẹ bắt đầu từ 10 tuần cuối của thai kỳ.

Còn việc nhận diện được gương mặt của mẹ mình, thực tế bé sẽ cần 1 tuần cho đến 2 tháng, tuỳ vào sự gần gũi và thời gian mẹ áp lại cạnh con do tầm nhìn của trẻ sơ sinh khá ngắn và hẹp, chỉ khoảng 18 – 25cm.

Cho đến khi đã được khoảng 2-3 tháng tuổi, bé bắt đầu nhận ra các khuôn mặt khác nhau quây xung quanh mình và rất thích thú khi được chơi đùa với người khác.

Bé đã có thể nhận ra mẹ giữa mọi người xung quanh

Bé mấy tháng biết theo mẹ?

Trong giai đoạn giữa 4 đến 7 tháng tuổi, đa số ở trẻ sơ sinh bắt đầu hình thành nhận diện “sự hiện diện của vật thể xung quanh” và nhận ra được sự vắng mặt của một người khi người đó không ở trong tầm mắt mình.

Trẻ sơ sinh không hiểu khái niệm thời gian, vì vậy bé không biết mẹ sẽ quay lại và có thể hình thành cảm giác buồn bã vì sự vắng mặt của mẹ. Bé bắt đầu biết theo và đòi mẹ trong giai đoạn từ 8 đến 12 tháng tuổi tuỳ vào sự phát triển của từng bé.

Trong giai đoạn này, bé nhận ra sự vắng mặt của mẹ khi mẹ không ở trong tầm mắt mình và hình thành cảm giác mất mát, lo sợ mẹ sẽ biến mất, không quay lại, sợ bị bỏ rơi.

Nhiều chuyên gia cho rằng, trước 6 tháng, trẻ chưa phân biệt được sự khác bữa giữa mọi người, ai cũng có thể ẵm bồng. Nhưng sau 6 tháng nhận thức của con đã hoàn thiện hơn mà biết được mẹ.

Bé biêt người vẫn luôn ở cạnh mình, chăm sóc âu yếm mình là ai, cảm giác chỉ an tâm khi ở gần mẹ và phản ứng từ chối người lạ. Đến 9 tháng, bé biết nhớ khi mẹ đi xa, và lo sợ mẹ biến mất nên cứ muốn bám vào mẹ hoặc lẽo đẽo đi phía sau, đảm bảo là luôn được ở cạnh mẹ.

Khi mẹ đi khỏi tầm mắt thì bé còn có phản ứng khóc đòi cho đến khi mẹ quay lại. Đây là tâm lý bình thường của trẻ sơ sinh.

Từ 9 tháng bé biết theo mẹ và lo sợ mẹ đi xa

Bé mấy tháng thì không còn theo mẹ nữa?

Bên cạnh thắc mắc bé mấy tháng biết theo mẹ, hẳn nhiều chị em cũng lo lắng khi nào con sẽ không đeo dính mẹ để tự chơi và mẹ có thể dành thời gian cho riêng mình.

Thực tế,  thời gian “tâm lý sợ chia ly” của trẻ nhỏ kết thúc không giống nhau, tuỳ thuộc môi trường xung quanh và sự gần gũi với mẹ.

Thông thường khoảng 18 tháng đến 2 tuổi rưỡi con có thể tách ra khỏi mẹ trong một khoảng thời gian nhất định và khá lâu nếu mẹ thường xuyên đi làm cả ngày, để con ở cùng ông bà và chỉ gặp con buổi tối.

Nhưng một số trường hợp trẻ có thể bám mẹ đến khi vào tiểu học cũng chưa dứt. Sau 2 tuổi, con đã hiểu được chỉ cần mình đòi hay khóc, mẹ đều chiều theo ý vì thế mẹ đi xa là bé sẽ khóc nháo. Những trẻ càng được nuông chiều càng bám mẹ.

Nhưng các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu trẻ đã lớn mà vẫn theo mẹ, không chịu ra ngoài hay làm việc khác một mình có thể là nguy cơ cảnh báo một số vấn đề về tâm lý, phụ huynh không nên chủ quan.

Nhiều bé sợ rời xa mẹ và khóc đòi cho đến khi 2 tuổi

Làm gì khi bé theo mẹ không rời?

Trường hợp này sẽ khó khăn đối với những mẹ phải rời con đi làm vào lúc 4-6 tháng. Nếu bé cứ theo mẹ và khóc khi mẹ đi thì thật sự rất khó khăn trong sinh hoạt. Một số mẹo sau mẹ có thể áp dụng để con tự lập hơn:

  • Thời gian sẽ giải quyết mọi thứ. Việc bé theo mẹ và đòi mẹ chỉ là tạm thời và sẽ đến lúc con tự lập được vì thế đừng lo lắng hay suy nghĩ quá nhiều.
  • Đừng thay đổi môi trường quá nhiều hay thay đổi người giữ trẻ, chăm sóc bé liên tục trong khoảng thời gian 9 tháng đến 18 tháng tuổi, đây là lúc con cảm thấy bất an khi xa mẹ nhất. Việc liên tục tiếp xúc với người lạ có thể khiến bé hoảng sợ và bám mẹ chặt hơn.
  • Cứng rắn luyện tập. Gương mặt mếu máo đòi mẹ và khóc to khi mẹ đi xa có thể khiến bạn cảm thấy mềm lòng và xót con. Nhưng hãy cố gắng rời khỏi bé vài phút mỗi ngày, sang phòng khác và cố gắng lờ đi tiếng khóc đòi của con. Kéo dài thời gian xa bé dần dần sẽ không làm con bị sốc hay sợ chia ly.

Bé mấy tháng biết theo mẹ cũng là điều thường thấy và làm tình mẫu tử thêm ấm áp. Mẹ phải hiểu đó là một khoảng thời gian tất yếu trong sự phát triển của con, đừng quá lo lắng.

Bài viết của

hienpham