Bé không chịu ăn dặm là một nỗi lo lắng phổ biến của rất nhiều mẹ bỉm sữa hiện nay. Bởi lẽ, ăn dặm là một giai đoạn đối với trẻ nhỏ, ăn không đúng cách, ăn không đủ chất không chỉ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe giai đoạn hiện tại của bé mà cả khi lớn lên. Vậy làm sao để đảm bảo sự phát triển của trẻ và giúp trẻ ăn ngon miệng hơn, chấm dứt tình trạng không chịu ăn dặm này?
1. Nguyên nhân bé không chịu ăn dặm
Cho bé ăn dặm quá sớm
Dựa vào khuyến cáo của các chuyên gia y tế, tùy vào thể trạng của mỗi trẻ , mẹ hãy bắt đầu cho bé ăn dặm bằng các bữa nhỏ, dung lượng ít vào giai đoạn 5-6 tháng là phù hợp nhất. Sớm nhất để ăn dặm là 17 tuần. Nếu ăn dặm quá sớm, cơ thể bé chưa làm quen dẫn đến nôn, trớ, chán ăn, hơn nữa là hoảng sợ khi thấy thức ăn.
Bé chưa chịu cai sữa
Việc ở độ tuổi 5-6 tháng, bé vẫn còn đang quen với nguồn sữa mẹ nên sẽ không có gì lạ nếu bé chỉ ăn với những chế phẩm từ sữa. Đồng thời cũng phản ứng với việc thay đổi khẩu vị và không quan tâm đến thực phẩm có mùi vị khác sữa.
Do khó chịu cơ thể, bệnh răng miệng
Mọc răng, đau họng, nướu sưng đau đều có thể là những bệnh răng miệng dẫn đến việc trẻ khó chịu và không muốn ăn gì cả. Ngoài ra, nếu hệ tiêu hóa của bé bị rối loạn kèm theo một số triệu chứng như nôn trớ, đầy bụng khó tiêu, táo bón,… cũng khiến bé lười ăn hơn.
Thức ăn dặm không phù hợp với độ tuổi
Nếu mẹ vẫn chưa có kinh nghiệm trong việc lựa chọn thức ăn, hãy nhớ rằng không phải ngẫu nhiên mà trong phương pháp ăn dặm kiểu Nhật được chia làm 4 giai đoạn khác nhau. Tùy vào từng giai đoạn, mẹ nên có thực đơn tương ứng để tránh việc trẻ không chịu ăn dặm. Ví dụ như, trong tuần thứ nhất mẹ không nên vội vàng cho bé ăn thịt cá, chút bột ăn dặm sữa pha loãng sẽ phù hợp hơn.
Xao nhãng, không tập trung khi ăn
Cho bé vừa ăn vừa xem tivi hay xem điện thoại, chơi đồ chơi… để dụ dỗ bé ăn nhiều là tình trạng rất phổ biến ngày nay. Tuy nhiên, hẳn các mẹ đều biết đây là thói quen không tốt một chút nào. Không chỉ tác động đến sự phát triển trí nào, nó còn gây những ảnh hưởng tiêu cực đến cảm giác ngon miệng của trẻ, khiến bé không tập trung cảm nhận được mùi vi, dạ dày cũng không tập trung xử lý tiêu hoá, từ đó dẫn đến việc đau dạ dày, ăn không ngon và lười ăn.
Ăn hoài 1 món làm bé chán
Khi mới bắt đầu ăn dặm, nếu bột không đủ ngon, quá loãng, quá đặc, quá nhạt hoặc quá mặn thì cho dù mẹ ép đến bao nhiêu thì sau đó trẻ vẫn khóc, nôn và sẽ từ chối bữa ăn. Ngoài ra cũng giống như người lớn, trẻ nhỏ cũng biết thưởng thức mùi vị, nếu mẹ chỉ cho bé ăn những món giống nhau thường xuyên sẽ gây nên sự nhàm chán cho trẻ.
2. Mẹ nên làm gì khi bé không chịu ăn dặm?
Không ép bé và để bé tự chọn lượng ăn mỗi bữa
Hạn chế luôn miệng nhắc bé “ăn đi con” hay “ăn thêm chút nữa đi con”. Trung tâm kiểm soát não bộ của bé sẽ đảm bảo bé ăn đủ năng lượng cần thiết, việc của mẹ chỉ là đảm bảo đủ và cân bằng các nhóm dinh dưỡng. Vì thế vì 1 số lý do nếu không phải bệnh lý và không gây sụt cân mệt mỏi cho bé, nếu bé quyết định ăn ít, mẹ cũng đừng ép hay quát mắng có thể làm con sợ hãi.
Có thời gian ăn cụ thể và chia nhỏ các bữa ăn
Mẹ nên phân bổ thời gian ăn uống của bé một cách hợp lý và giới hạn thời gian cho mỗi bữa ăn. Tuy thời gian cho con ăn thường phụ thuộc khá nhiều vào tâm trạng của bé, nhưng nếu bé ăn quá lâu, kéo dài có thể làm bé mệt mỏi, chán nản, đồ ăn lạnh, hết ngon. Vì vậy mẹ chỉ nên cho bé ăn trong vòng 30 phút, sau đó có thể cho bé nghỉ ngơi và đợi một lúc sau hãy cho con ăn tiếp nếu bé còn đói. Ngoài ra, việc chia nhỏ bữa ăn sẽ giúp ích cho hệ tiêu hóa của trẻ, giúp trẻ hấp thụ được tốt hơn, vì dạ dày của trẻ nhỏ còn kém nên chưa thể tiêu hóa tốt được.
Đổi thực đơn đa dạng
Đổi món liên tục để tránh bé bị ngán. Mẹ có thể tham khảo nhiều thực đơn đa dạng từ các mẹ khác hoặc các chế độ ăn dặm từ nước ngoài để tăng khẩu vị cho con. Thêm trái cây, sữa chua, phô mai tăng làm gia vị tự nhiên.
Kiểm tra xem thức ăn có vấn đề
Mẹ hãy để ý xem có phải bé không chịu ăn dặm là do thức ăn quá lỏng, quá đặc hay nêm gia vị quá tay khiến bé ăn không nổi hay không và có sự điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, khi thay đổi thực đơn cũng nên chú ý bé có dị ứng, chán ghét loại thực phẩm này không.
Không cung cấp dư thừa dinh dưỡng
Nếu cho bé bú quá no, uống thêm sữa ngoài hay ăn vặt, ăn bánh kèm theo có thể khiến bé quá no, lười ăn và cơ thể cũng dư thừa dinh dưỡng. Thức ăn mỗi bữa ăn dặm cũng nên cân bằng, không cố ép thêm đạm hay dầu mỡ cho ngon. Chẳng hạn như lượng đạm trẻ 1 tuổi cần mỗi ngày tối đa là trong 100g thịt. Giới hạn lượng sữa dưới khoảng 500ml một ngày cũng hỗ trợ bé ăn nhiều hơn.
Bé không chịu ăn dặm có thể khiến mẹ lo lắng, nhưng mẹ cần bình tĩnh, đừng rối mà hãy chú ý quan sát tìm ra nguyên nhân để có giải pháp phù hợp. Nếu bé lười ăn nặng dẫn đến suy dinh dưỡng, mệt mỏi thì nên đưa bé đến khám ở bác sĩ chuyên khoa ngay lập tức để được can thiệp.
Xem thêm:
- Ăn dặm: Những gì bé có thể và không thể ăn trong độ tuổi ăn dặm?
- Ăn dặm kiểu Nhật – kinh nghiệm truyền tay của các Mẹ!
- 5 món ăn dặm kiểu Nhật dễ làm cho bé từ 5 – 6 tháng tuổi!
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!