Bé 5 tháng tuổi biết làm những gì và cần được chăm sóc ra sao?

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bé 5 tháng tuổi biết làm những gì và làm sao để biết liệu bé có phát triển chậm hơn so với bình thường? Cùng tìm hiểu về những vấn đề này nhé.

Các mốc phát triển của bé 5 tháng

1. Thể chất

  • Vươn tay lấy đồ vật: Bé đã có thể kiểm soát được tay nên khả năng cầm nắm đã tốt hơn. Bé biết dùng tay chộp lấy đồ vật và nếu có được cho bú bình, bé hoàn toàn có thể tự cầm bình và bú một mình.
  • Dồn trọng lượng cơ thể lên chân khi được giữ lúc đứng thẳng: Khi được giữ thẳng, bé sẽ biết cách để dồn trọng lượng của cơ thể lên cả hai chân và bé cũng có thể làm các động tác nhún nhảy khi co duỗi đầu gối.
  • Trở mình: Bé 5 tháng tuổi đã có thể tự lật mình khi đang nằm úp hoặc nằm ngửa.
  • Ngồi khi có hỗ trợ: Giai đoạn 5 tháng tuổi bé thể ngồi được nếu có sự trợ giúp (có bố mẹ đỡ, có gối đỡ...). Và khi bé được 6 tháng tuổi, bé có thể tự ngồi một mình mà không cần ai hỗ trợ.
  • Khả năng nhìn xa và nhận diện màu sắc tốt hơn: Tầm nhìn của bé sẽ tốt hơn cũng như khả năng nhận biết sự khác biệt của các sắc thái cùng một màu.
  • Phối hợp cơ bắp: Bé đã tự nâng ngực ra khỏi mặt sàn bằng cách dùng tay khi đang nằm sấp. Ngoài ra, bé biết tự nhoài người, với lấy đồ vật và cầm nắm chúng.

2. Nhận thức

  • Theo dõi mọi sự chuyển động: Bé đã bắt đầu biết quan sát và theo dõi những chuyển động từ vật thể cho tới những người đi qua đi lại.
  • Tìm một đối tượng khi bị ẩn một phần: Bé sẽ cảm thấy phấn khích khi bạn chơi trò “ú òa” với bé bởi vì bé đã có thể hiểu và cảm nhận được những vật thể nằm ngoài tầm nhìn của bé. Nên khi bạn dùng tay hay dùng rèm cửa che một phần khuôn mặt, bé sẽ đến và kéo tay bạn hay cái rèm cửa ra.
  • Trả lời “không”: Bé đã biết trả lời “không” bằng cách thể hiên qua cử chỉ hoặc điệu bộ của mình.
  • Quan sát nguyên nhân và kết quả: Nếu bạn hay quan sát bé, bạn sẽ để ý một điều là bé có xu hướng làm đi làm lại một hành động để kiểm tra xem có một hiệu ứng tương tự xảy ra không.
  • Quan sát đối tượng: Từ đồ vật đến bất kì hành động nào của con người đều thu hút sự chú ý của bé và bé sẽ luôn để ý chúng một cách kỹ càng.
  • Phân tâm và thu hút bởi những cái mới: Từng món đồ khác nhau sẽ đều được bé chú ý nên bé sẽ dễ bị phân tâm khi để ý được một món đồ chơi mới.
  • Ngủ đêm dài: Giấc ngủ của bé đặc biệt là giấc ngủ buổi tối sẽ dài hơn.

3. Cảm xúc

  • Phản ứng lại với cảm xúc: Bé sẽ cười đáp lại khi bạn đang chơi đùa với bé, khi bạn phát ra một âm thanh vui nhộn, thậm chí cù bé nhẹ nhàng.
  • Phân biệt cảm xúc: Bé sẽ nhận biết được cảm xúc của bạn qua giọng điệu lúc nói chuyện với bé. Ví dụ như bé sẽ sợ hoặc khóc nếu nhận ra bạn đang lớn tiếng với bé.
  • Thích nhìn bản thân trong gương: Bé sẽ khá thích thú và tò mò khi thấy hình ảnh mình trong gương.
  • Vui vẻ: Đây là cảm xúc chính của bé trong giai đoạn 5 tháng tuổi.
  • Chơi với bố mẹ: Bé sẽ đặc biệt thích chơi với bố mẹ hay những người thân khác trong gia đình.

4. Giao tiếp

  • Phản hồi khi nghe gọi tên: Bé sẽ biết phản ứng lại khi nghe gọi tên bằng cách quay đầu về phía có âm thanh gọi mình.
  • Tạo ra âm thanh để phản ứng lại với âm thanh: Bé sẽ mấp máy miệng và lưỡi để tạo ra âm thanh khi bạn đang nói chuyện với bé. Và bé sẽ tạo ra âm vực lên xuống như đang nói chuyện với bạn vậy.
  • Thể hiện cảm xúc qua giọng nói hoặc vẻ mặt: Âm vực giọng nói của bé sẽ thay đổi tùy vào cảm xúc hiện tại của bé. Vẻ mặt của bé từ khuôn mặt vui sướng hay khó chịu sẽ thay đổi để thể hiện ra sự vui vẻ hay khó chịu.
  • Bập bẹ: Các chuỗi phụ âm “ba-ba-ba” hay “ma-ma-ma” sẽ được bé bập bẹ liên tục.

5. Giác quan

  • Vị giác phát triển: Bé sẽ hay bỏ thứ cầm được trên tay vào miệng để xem vị của chúng như thế nào. Bé thường bắt đầu ăn dặm vào tháng thứ 6 nên mẹ có thể tìm hiểu và chuẩn bị thực đơn ăn dặm cho bé từ lúc này rồi nhé!
  • Phân biệt màu sắc: Bé sẽ nhận biết được rất nhiều loại màu sắc cũng như sắc thái của cùng một màu.
  • Thính giác phát triển hơn: Bé biết quay đầu hướng về phía âm thanh phát ra chứng tỏ thính giác của bé đã tốt hơn rất nhiều.
  • Chạm và nếm: Bé sẽ tò mò và cố gắng chạm vào, nếm mọi thứ mà bé chạm vào được. Vì vậy, hãy đảm bảo tất cả những gì bé tiếp xúc phải luôn sạch sẽ, không dễ vỡ và không gây hóc hoặc nghẹt thở.

Những lưu ý khi chăm sóc bé 5 tháng

  • Kiểm soát tay và cầm nắm không tốt: Tay bé quá mềm hay quá cứng, khả năng cầm nắm không được tốt là một dấu hiệu để kiểm tra sự phát triển cơ bắp của bé.
  • Không phản ứng lại với âm thanh: Nếu bé không phản hồi lại với âm thanh hay quay đầu về hướng có âm thanh, bé có thể gặp vấn đề ở thính giác.
  • Không nhận biết được bố mẹ: Đây có thể là dấu hiệu của sự chậm phát triển nhận thức và bạn cần đưa bé đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt.
  • Không bập bẹ và yên lặng: Một dấu hiệu của việc chậm phát triển về ngôn ngữ.
  • Hoạt động bằng một tay: Bé có thể đang bị vấn đề về chậm phát triển.
  • Khóc suốt đêm hoặc không cười: Một dấu hiệu khác của sự chậm phát triển và cũng cần được đưa đến để bác sĩ kiểm tra.

Mẹ đã hiểu bé 5 tháng tuổi biết làm những gì rồi, vậy thì hãy chú ý những cột mốc phát triển của bé để kịp thời phát hiện những bất thường trong sức khỏe và thể chất của bé nhé!

Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo
Loading...
You got lucky! We have no ad to show to you!
Quảng cáo

Bài viết của

Huyen Dang