Bé 3 tháng ăn bột được chưa? Mẹ không nên cho bé ăn dặm vào thời điểm này vì bé sẽ không tận dụng được lợi ích từ nguồn sữa mẹ, dễ bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng.
Nội dung bài viết:
- Độ tuổi thích hợp cho bé tập ăn dặm là khi nào?
- Bé 3 tháng ăn bột được chưa? Liệu có quá sớm không?
- Các dấu hiệu nhận biết bé đã sẵn sàng được ăn dặm
Bài viết có phần đóng góp ý kiến chuyên môn từ bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh.
Độ tuổi thích hợp cho bé tập ăn dặm là khi nào?
Chúng ta vẫn thường được khuyên rằng chỉ nên bắt đầu cho bé ăn dặm khi được đủ 6 tháng tuổi. Ở nước ta, Viện dinh dưỡng cũng như các khoa chăm sóc trẻ sơ sinh luôn nhấn mạnh, khuyến khích việc cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời. Chỉ nên cho bé ăn dặm khi con được 6 tháng tuổi. Nhưng có nhiều gia đình vì những lý do khác nhau nên muốn cho bé ăn sớm hơn.
Nếu cho trẻ ăn bổ sung quá sớm sẽ không có lợi cho cả mẹ và con vì hệ tiêu hóa của bé dưới 6 tháng chỉ thích hợp với việc tiêu hóa các thức ăn lỏng như sữa mẹ. Nếu thức ăn bổ sung chế biến ở mức độ lỏng như sữa mẹ thì thường có giá trị dinh dưỡng thấp hơn sữa mẹ, không đủ để đảm bảo cho sự phát triển bình thường của trẻ. Trong một số trường hợp đặc biệt thì mẹ có thể cân nhắc việc cho bé ăn dặm sớm ở tháng thứ 5.
Bé 3 tháng ăn bột được chưa? Liệu có quá sớm không?
Việc cho bé 3 tháng ăn bột không được khuyến khích. Theo bác sĩ Vũ Nhật Nam, Khoa Nội tổng hợp – Tim mạch – Lão học, Bệnh viện Quận Bình Thạnh: Khi cho trẻ ăn bột quá sớm, trẻ sẽ không tận dụng được lợi ích từ nguồn sữa mẹ, khiến cho trẻ dễ bị rối loạn tiêu hóa, dẫn đến suy dinh dưỡng. Một số trẻ khi ăn dặm sớm dễ mắc các triệu chứng như đầy bụng, đi phân sống, mùi chua ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ. Bên cạnh đó, việc thiếu hụt miễn dịch từ nguồn sữa mẹ sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và mắc bệnh cho trẻ. Một số nghiên cứu còn cho rằng trẻ ăn dặm sớm có nguy cơ dị ứng thức ăn cao hơn so với thông thường. Việc đầy bụng, chướng hơi do hệ tiêu hóa chưa hoàn thiện cũng gây ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ.
Ở độ tuổi này, con vẫn nhận tất cả dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức. Lượng sữa cho bé sơ sinh tháng thứ 3 là 60 – 120ml tương đương 5 – 6 cữ bú. Tuy nhiên mẹ được khuyên là nên nuôi con bằng sữa mẹ theo nhu cầu của bé. Hãy cho bé bú khi có biểu hiện đói thay vì tuân thủ nghiêm ngặt lịch trình cụ thể nào đó. Song song đó, mẹ cần theo dõi chiều cao và cân nặng của con định kỳ để biết mức độ tăng trưởng của con đã hợp lý hay chưa.
Các dấu hiệu nhận biết bé đã sẵn sàng được ăn dặm
Mẹ có thể tập cho bé ăn dặm khi bé được 5 – 6 tháng tuổi và bé có các biểu hiện sau đây:
- Bé có thể giữ vững được cổ
- Bé có thể ngồi khi được hỗ trợ
- Tỏ ra thích thú với thức ăn
- Khi đưa muỗng (thìa) vào miệng bé, bé ít dùng lưỡi để đẩy ra ngoài
- Bé bắt đầu biết đón nhận đồ ăn mẹ đút bằng cách đưa môi ra phía trước
- Đòi bú liên tục dù mẹ đã cho bé bú đầy đủ từ 7 – 8 lần/ ngày
Những dấu hiệu trên đây đều mang tính tương đối, có thể xuất hiện hoặc không ở mỗi trẻ. Do đó, cách tốt nhất dành cho mẹ là có thể cho trẻ thử đồ ăn mới ngoài sữa mẹ khi trẻ đã đủ 6 tháng tuổi.
Vậy nếu mẹ băn khoăn bé 3 tháng ăn bột được chưa? Câu trả lời là hãy từ từ đã mẹ nhé. Mẹ hoàn toàn có thể bắt đầu cho trẻ thử ăn đồ ăn mới ngoài sữa mẹ khi trẻ đã đủ 6 tháng và việc ăn dặm nên dựa trên cơ sở tự nguyện và vui vẻ. Nếu trẻ vẫn từ chối tốt nhất mẹ nên chờ đợi. Bởi rất có thể trẻ chưa có nhu cầu ăn dặm và sữa vẫn đang đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.