Yoga trong bạn là gì? Yoga không chỉ là những tư thế (asana), yoga là một triết lý sống. Đó là lúc bạn đặt vào đấy từng hơi hít thở, cảm nhận mình đau, căng cứng hay mình dễ chịu, thư giãn, hoặc có khi mình mất cân bằng ra sao. Với mình, yoga là con đường cho mình được trải nghiệm mình vui với chính mình, yêu thương mình, ngồi xuống làm bạn với mình.
1. Con là duy nhất. Hãy tôn trọng và yêu thương chính mình.
Luyện tập một tư thế yoga là chuỗi giai đoạn bạn làm quen, nắm kỹ thuật và cố gắng vào đúng tư thế. Kỹ thuật là như vậy nhưng cũng có biến thế để dành cho những người có cơ địa không dễ vào thế có thể tập được.
Ví dụ, với tư thế đứng bằng đầu, tay chắc khỏe là một trong những điều kiện để vào thế và trước khi vào được đứng bằng đầu hoàn toàn, bạn cần tập đẩy cá heo nhiều, rồi học cách đi ngược, co một chân, co hai chân, siết bụng… Nhiều giai đoạn được ngắt nhỏ để bạn có thể tập theo ở mỗi điều kiện cơ địa và thể lực khác nhau. Người đau cổ thì nên tránh tập tư thế này nếu chưa thật sự sẵn sàng tay và cơ bụng.
Hay có những tư thế đòi hỏi độ dẻo, có người rất dẻo ngay lần đầu tập đã vào thế được dễ dàng nhưng nếu bạn không dẻo, bạn sẽ mất nhiều công sức, mồ hôi hơn. Điều đó không sao cả, quan trọng là cảm nhận của bạn khi chinh phục tư thế ấy.
Hoặc nếu bạn có bàn chân flat feet (lòng bàn chân không có chỗ hỏm) thì bạn sẽ rất khó đứng vững. Bạn chú ý vào 4 điểm trên bàn chân mình để trụ vững, dần tạo ra chỗ hỏm.
Chỉ bạn là người duy nhất biết được cơ thể bạn cần gì, từ đó mới biết được điểm mạnh và điểm yếu để vào một tư thế. Khi ấy, bạn sẽ thực sự cảm thấy dễ chịu vì nỗ lực của bạn chính là từng ngày mình tốt hơn với chính mình.
Con mình có cơ địa ốm, xương nhỏ. Một ngày mình giật mình khi con hỏi: “Con ốm lắm hả mẹ?”. Lời nói của người lớn đi vào trí nhớ của con lúc nào mình không hay. Mình nói với con: “Con ốm nhưng con khỏe là được. Sức khỏe mới quan trọng nha con”. Ốm không phải là lý do để con mặc cảm và mình bắt đầu chỉ cho con hiểu về cơ thể con. Chỉ khi nhận ra mình là duy nhất, mình hiểu về mình, con mới thật sự tự tin, vì mỗi người chúng ta đều là duy nhất.
2. Học cách cân bằng.
Trong từng tư thế yoga là sự cân bằng của nỗ lực và thư giãn. Nỗ lực thử thách bản thân hơn một chút, một chút nữa (nhưng phải đảm bảo an toàn) và cảm giác được kéo căng, thư giãn ở tư thế đó. Cuộc sống nếu lúc nào cũng là nỗ lực, sức ép, tăng tốc thì bạn sẽ rất đuối sức và mệt mỏi. Nhưng nếu lúc nào cũng nhàn nhã, thảnh thơi, không áp lực thì buồn chán lắm bạn ạ. Cân bằng được cả hai yếu tố nỗ lực và thư giãn, đó mới là điểm cân bằng. Mình không gây sức ép cho con nhưng thật sự mình cũng không buông hẳn. Cho con một biên độ cân bằng, con sẽ dần biết cách tự điều chỉnh những gì con cần.
Cân bằng trong yoga còn là sự cân bằng giữa bên thuận và không thuận. Đọc đến đây, bạn hãy thử ngồi xuống, ngồi hẳn xuống mặt đất và co hai chân lại. Lần này, hãy để ý xem chân nào bạn để xuống trước. Nếu nhiều lần khác nhau bạn để chỉ duy nhất một chân lên chân còn lại thì bạn hãy chú ý đổi bên lần sau, nếu bạn muốn cân bằng. Cân bằng nghĩa là hãy tạo điều kiện để bên không thuận được làm việc, để bên ấy mạnh hơn. Khi chơi cùng con, bạn hãy để ý điều này và cho con cơ hội được học cách cân bằng. Hoạt động cân bằng tay chân cũng sẽ tác động trở lại hoạt động, ở hai bên bán cầu não và giúp hai bên bán cầu não cân bằng hơn.
3. Một cột sống ngay ngắn.
Cân bằng, cơ thể đối xứng cũng là cách giúp cột sống ngay ngắn và cũng là dấu hiệu của một cột sống khỏe mạnh.
Một buổi tập yoga có phần luyện thở đầu giờ, là lúc chúng ta ngồi xuống, dành thời gian tĩnh lặng. Bạn ngồi một vài phút bạn sẽ quan sát được cơ thể mình đang đổ về trước hay sau, trái hay phải. Hãy điều chỉnh lại, kéo về cho cân bằng. Mình hoàn toàn không có ý thức về điều này cho đến khi mình luyện tập yoga. Khi mình ngồi, cơ thể mình có xu hướng đổ về phía trước, rất mỏi lưng. Và đến giờ mình vẫn đang cố gắng tập, sửa từng ngày. Cột sống là bộ phận đỡ cho toàn bộ cơ thể. Cột sống khỏe thì mình mới khỏe. Nhắc con giữ thẳng cột sống và nói với con về câu chuyện cột sống bằng cách không quá cao siêu, là cách mình giúp con giữ lấy sức khỏe của con.
4. Thả lỏng, không gồng cứng.
Càng thả lỏng cơ thể với cơ bụng siết chặt, bạn càng dễ lên thế. Thả lỏng và siết cơ bụng chặt không phải là điều tự nhiên mà đến, bạn phải kiên trì tập luyện. Trong cuộc sống, thả lỏng giúp bạn dễ dàng lướt qua những thời điểm khó khăn. Cơ bụng của bạn là vùng có luân xa 3 (The Solar Plexus Chakra) tượng trưng sức mạnh gốc rễ của bạn. Đây cũng là điểm gắn kết cuốn rốn khi bạn còn trong bào thai. Khi nội lực của bạn càng mạnh, bạn càng dễ thư giãn trong mọi tình huống của cuộc sống.
Con rồi sẽ lớn và khi con có một nội tâm vững vàng, con mới thực sự chạm đến ý nghĩa sâu xa của sự trưởng thành.
Càng học, càng luyện tập, càng thấy mình muốn làm học trò hoài. Và trong hành trình làm mẹ, mình cũng sẽ học hoài, học mãi.
Nếu bạn có bất kỳ hiểu biết, câu hỏi hoặc ý kiến về chủ đề này, xin vui lòng chia sẻ chúng trong hộp bình luận của chúng tôi dưới đây. Theo dõi chúng tôi trên Facebook và Google+ để cập nhập các thông tin mới nhất từ những theAsianparent.com Viet Nam