Bà bầu bị mất ngủ về đêm kéo dài có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe thai nhi. Mẹ bầu nên cải thiện ngay tình trạng này theo những hướng dẫn dưới đây.
Bà bầu thường bị mất ngủ về đêm từ giai đoạn nào?
Do những thay đổi về hoóc môn, một số bà bầu ngủ nhiều hơn trong thai kỳ nhưng cũng có nhiều người khác thường bị mất ngủ bắt đầu từ tam cá nguyệt thứ hai đến thứ ba. Đó là vì các triệu chứng mang thai khác tăng lên và bụng mẹ bầu ngày càng trở nên nặng nề, khiến cho việc đi ngủ dường như trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Trằn trọc, khó ngủ thường ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi ở mức độ nghiêm trọng nhất trong ba tháng cuối của thai kỳ. Theo thống kê có tới 75% mẹ bầu gặp phải tình trạng này.
Mất ngủ về đêm có hại đến mẹ bầu không?
Điều nguy hiểm của tình trạng mất ngủ nhiều trong thai kỳ là bạn không thể nhận ra ngay bằng mắt thường. Mà một cách rất từ từ, mất ngủ có thể khiến mẹ bầu mệt mỏi, kiệt sức, thậm chí là suy nhược cơ thể.
Không những vậy, tình trạng này kéo dài còn gây ra nhiều nguy cơ như:
- Dễ căng thẳng, stress, trầm cảm, ảnh hưởng đến sức khỏe của cả mẹ và bé
- Khó sinh thường, hoặc nếu sinh thường thì quá trình chuyển dạ có thể kéo dài hơn
- Khó chịu, đau đầu, tăng huyết áp vì não bộ thiếu oxy và một số chất quan trọng
- Anh hưởng đến quá trình tuần hoàn máu, khiến thai nhi dễ bị thiếu máu ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ
Nguyên nhân gây mất ngủ khi mang thai
Nếu bị mất ngủ, mẹ bầu cũng không nên lo lắng quá. Hiện tượng này khá phổ biến và thường do các nguyên nhân chính là:
- Thay đổi nội tiết khi mang thai
- Do phải thức dậy đi tiểu thường xuyên
- Chứng ợ nóng khi mang thai
- Chuột rút
- Nhiệt độ cơ thể nóng hơn bình thường, gây ra khó chịu đối với mẹ bầu
- Em bé ngày càng lớn hơn, đạp mẹ nhiều hơn
- Những lo lắng về quá trình mang thai và thời điểm sinh nở sắp diễn ra
Bà bầu bị mất ngủ về đêm nên làm gì để cải thiện tình trạng này?
Dưới đây là một vài lời khuyên hữu ích dành cho mẹ bầu cảm thấy khó ngủ hoặc mất ngủ trong thai kỳ.
Ngâm chân trước khi đi ngủ
Ngâm chân với nước ấm và các loại thảo dược đơn giản như gừng, sả, nước muối, … giúp thúc đẩy quá trình lưu thông máu, điều chỉnh hệ thống nội tiết, tăng cường khả năng miễn dịch giúp cơ thể khỏe mạnh.
Sau một ngày làm việc bận rộn, căng thẳng, mỗi tối trước khi đi ngủ mẹ bầu hãy ngâm chân vào nước ấm. Làm vậy hệ thống trung khu thần kinh được kích thích nhẹ nhàng, giúp cơ thể thư giãn, thoải mái, xua tan đi cơn mệt mỏi đem đến cho chị em một giấc ngủ sâu.
Tìm việc gì đó làm
Nếu sau 20 đến 30 phút mà bạn vẫn không thể chợp mắt được thì cũng không nên tự bắt ép mình. Hãy thử nghĩ ra một công việc nào đó, thực hiện nó và sau đó cố gắng đi ngủ lại. Đôi khi cơ thể bạn có lẽ chưa đủ mệt để đi vào giấc ngủ mà thôi.
Uống một ly trà hoa cúc ấm trước giờ đi ngủ khoảng 1-2 tiếng
Trà hoa cúc được mệnh danh là liều thuốc ngủ tự nhiên tốt nhất. Uống một cốc trà hoa cúc trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có một giấc ngủ ngon hơn.
Bên cạnh đó, một số nghiên cứu cho thấy trà hoa cúc còn có nhiều tác dụng như:
- Kháng khuẩn, giảm cảm cúm
- Giúp làm giãn mạch máu
- Hạ huyết áp
- Giảm mỡ trong máu
- Làm dịu bớt căng thẳng thần kinh
- Giúp bạn ngủ ngon giấc mà không bị trằn trọc
Tránh chất caffeine và đồ ngọt
Đặc biệt là vào cuối buổi chiều hoặc buổi tối, vì chúng sẽ kích thích thần kinh, khiến bạn khó ngủ hơn. Nếu thèm, hãy chịu khó ăn/uống vào buổi sáng sớm. Tuy nhiên cũng cần lưu ý là mẹ bầu không nên dùng quá 200mg caffein mỗi ngày. Hoặc tốt nhất là nên kiêng hẳn cho đến khi em bé chào đời.
Nên tránh các đồ ngọt, chẳng hạn sữa có đường, các loại bánh, … vì có thể khiến thần kinh bị hưng phấn, dễ gây ra tình trạng mất ngủ đối với mẹ bầu.
Với mẹ bầu bị ợ nóng, đầy bụng
Ăn thành nhiều bữa nhỏ, ăn chậm, nhai kỹ để dạ dày không bị quá tải, tránh hiện tượng ợ nóng, có thể ảnh hưởng đến giấc ngủ.
Chỉ nên uống nước cách giờ ngủ 1-2 tiếng
Uống nước ấm, trà thảo dược, … cách giờ đi ngủ một khoảng thời gian nhất định để cơ thể vừa kịp tiêu hóa hết thức ăn đồng thời hạn chế được việc đi tiểu nhiều lần trong đêm.
Tập thể dục có thể giúp mẹ bầu ít bị mất ngủ về đêm
Tập thể dục hàng ngày mang thai có thể khiến bạn buồn ngủ hơn vào ban đêm. Lưu ý là bà bầu nên tránh tập sát giờ đi ngủ quá mức. Thay vào đó, hãy chọn khoảng thời gian bạn cảm thấy thư giãn và thư thái nhất rồi thực hiện các bài tập đơn giản, tập yoga hoặc đi bộ, …
Tạo thói quen đi ngủ giúp cải thiện tình trạng bà bầu bị mất ngủ về đêm
Mẹ bầu hãy cố gắng đi ngủ và thức dậy cùng một lúc mỗi ngày. Đây là điều vô cùng quan trọng. Vì cơ thể sẽ hình thành một phản xạ nhất định nhờ vào những thói quen.
Chẳng hạn mẹ bầu có thể tạo ra một chuỗi các hoạt động như tắm nước ấm, ngâm chân, đọc sách hoặc nghe sách tiếng rồi đi ngủ. Như vậy, chỉ cần đến đúng giờ đó vào buổi tối, khi cơ thể thấy các hoạt động quen thuộc xuất hiện, nó sẽ tự khắc thông báo với não bộ rằng bạn cần được nghỉ ngơi và chìm vào giấc ngủ.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng đừng quên nằm ngủ ở tư thế nằm nghiêng bên trái, uốn cong đầu gối hoặc gác chân lên cao sẽ mang lại tác dụng tuyệt vời cho giấc ngủ, đồng thời còn giúp giảm áp lực lên tĩnh mạch chân và hạn chế tình trạng phù nề.
Xem thêm:
- Mẹ bầu mất ngủ khi mang thai có nên uống thuốc ngủ để cải thiện tình hình?
- Cách ngủ ngon và sâu giấc cho bà bầu mất ngủ 3 tháng đầu thai kỳ
- Mẹ bầu mất ngủ có ảnh hưởng đến thai nhi hay không? Làm gì để mẹ ngủ ngon hơn?
Vào ngay Fanpage của the Asianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!