Thời gian gần đây, nhiều vụ việc ăn chặn tiền của trẻ mầm non, học sinh tiểu học được phanh phui đã dấy lên hồi chuông cảnh báo về đạo đức nghề nghiệp của các cán bộ liên quan, trong đó có vụ việc ở Gia Lai dưới đây
Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Gia Lai
Ngày 5/6, tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Gia Lai đã nhận được hồ sơ và cáo trạng của VKSND tỉnh này về việc đề nghị đưa ra xét xử các bị can liên quan đến vụ việc ăn chặn tiền hỗ trợ cho trẻ mầm non và học sinh bán trú trong địa bàn tỉnh. Cụ thể các bị can bị nêu trong cáo trạng gồm Phan Trung Dũng (cựu kế toán), Nguyễn Thị Mỹ Sang, Phan Thị Hồng Ca (cựu thủ quỹ Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh), bị khởi tố về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Theo hồ sơ của VKSND tỉnh Gia Lai, thực hiện nghị định của Chính phủ về việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho các trẻ trong độ tuổi mầm non từ 3 – 5 tuổi, trong giai đoạn từ 2013 – 2015, Phòng Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai được giao dự toán cấp phát tiền hỗ trợ cho các trường để chi trả cho các em. Trưởng phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh lúc bấy giờ là ông Phùng Văn Tuấn đã chỉ đạo kế toán Phan Trung Dũng trực tiếp rút số tiền trên.
Quá trình ăn chặn tiền của trẻ mầm non và học sinh bán trú tại huyện Chư Pưh
Số tiền sau khi được giải ngân từ ngân sách nhà nước không được Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh phát cho các trường trên địa bàn theo danh sách mà dùng sai mục đích để chi lương (trên 500 triệu), thuê xe (gần 400 triệu), mua sắm (trên 600 triệu), tiếp khách (gần 450 triệu), quà biếu (trên 300 triệu), ngoài ra còn hơn 230 triệu không có trong dự toán… Tiền tồn quỹ chỉ còn 55 triệu đồng.
Tại cơ quan điều tra, các cán bộ Phòng GD&ĐT khai sử dụng kinh phí theo phương thức “gối đầu”, tức là rút tiền dùng cho các khoản chi sau để thanh toán cho các khoản phải chi trước.
Khi nhận được tiền chế độ cho học sinh thì trưởng phòng chỉ đạo kế toán, văn thư chi cho các khoản thường xuyên phát sinh chứ không cấp phát cho các trường. Ông Phùng Văn Tuấn nói: “Sẽ tiếp tục xin bổ sung kinh phí rồi cấp phát cho các trường sau”. Theo thời gian, số tiền không thể quyết toán ngày càng lớn mà không có kinh phí bù vào.
Mặc dù các trường đã nhiều lần liên hệ đề nghị chi trả tiền hỗ trợ nhưng ông Tuấn đều trả lời: “Chưa được cấp kinh phí”. Trong suốt 3 năm từ 3012 – 2015, các trường trên địa bàn huyện không được nhận khoản hỗ trợ này. Đến tháng 1/2016, ông Tuấn mất vì bệnh.
Số tiền bị chiếm dụng, sử dụng sai mục đích lên tới 2.8 tỉ đồng. Hậu quả là 2.890 trẻ mầm non và 110 học sinh ở huyện Chư Pưh đã không được nhận hỗ trợ từ chính phủ.
Báo động về ý thức và đạo đức người thi hành công vụ
Vụ việc ăn chặn tiền của trẻ mầm non và học sinh dân tộc bị phát hiện khi Thanh tra tỉnh Gia Lai thanh tra nguồn sử dụng kinh phí tại Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh và làm việc trực tiếp với các trường năm 2018. Sau khi phát hiện vi phạm, đoàn thanh tra đã chuyển hồ sơ sang Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Gia Lai.
Tháng 4/2019, văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Gia Lai đã bắt giam ông Phan Trung Dũng, cựu kế toán Phòng GD&ĐT huyện Chư Pưh. Sau đó, cơ quan này tiếp tục khởi tố thêm bị can Phan Thị Hồng Ca và Nguyễn Thị Mỹ Sang để điều tra về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ mà đời sống của đồng bào dân tộc và trẻ em vùng sâu vùng xa ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên chính vì những con sâu làm rầu nồi canh mà 1 bộ phận nhỏ các em không được nhận trợ cấp. Hy vọng đây là hồi chuông cảnh tỉnh về đạo đức và ý thức trách nhiệm đối với người thi hành công vụ.
Xem thêm
- Hiệu trưởng trường Tiểu học bị bắt giam vì tội cắt xén khẩu phần ăn của học sinh với số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng!
- Top trường mầm non tốt nhất Hà Nội
- Dư luận xôn xao vì vụ việc bệnh viện Xanh Pôn cắt mẫu thử và trộn máu xét nghiệm để tiết kiệm chi phí
Vào ngay Fanpage của theAsianparent Vietnam để cùng thảo luận và cập nhật thông tin cùng các cha mẹ khác!