Thai nhi đạp là dấu hiệu đầu tiên mẹ có thể cảm nhận rõ ràng về một sự sống đang hình thành trong bụng mình. Hãy cùng giải mã 7 bí mật có thể mẹ chưa biết về những cú đạp của thai nhi.
Khi mẹ có thể cảm nhận được những chuyển động đầu tiên của thai nhi đồng nghĩa với việc con đã có tuổi thai tầm 16-25 tuần. Mỗi lần con máy, con gò hay cựa quậy trong bụng mẹ, tất cả đều có thể nói cho mẹ biết về việc thai nhi đang được hình thành và lớn lên như thế nào. Các chuyên gia cho rằng, thai nhi đạp có thể mang một trong các ý nghĩa đặc biệt này.
#1 Cú đạp lần đầu tiên của con – Lời nhắn nhủ “Con đang lớn lên và phát triển trong bào thai của mẹ”
Phần lớn các mẹ sẽ cảm nhận được thai máy từ tuần thứ 16-25. Những mẹ mang thai lần 2 có cảm giác này sớm hơn so với mẹ mang bầu lần đầu tiên. Nhưng dù là sớm hay muộn thì chỉ cần một lần máy của con, mẹ cũng có thể thở phào nhẹ nhõm là bé đang thực sự lớn lên trong bụng mình.
Điều đặc biệt là mỗi một mẹ bầu sẽ có những cảm giác riêng về các chuyển động của con mình. Có người thì nói rằng y như thấy bướm lượn nhưng cũng có người lại tưởng chừng như cá bất thình lình nhảy trong bụng.
#2 Con biết đạp ngay từ tuần thai thứ 9
Những phát triển vào tuần thứ 9 cho phép thai nhi có kích thước tương đương với một quả nhãn, chiều dài khoảng 2,3 cm và nặng khoảng 1,9g. Con đã có hình hài như một đứa trẻ thực sự, chân tay của bé bắt đầu biết ngọ nguậy và di chuyển trong bào thai.
Tuy vậy chỉ đến nhiều tuần sau đó, hầu hết từ 20-25 tuần mẹ mới có thể cảm nhận trực tiếp những cú máy này của con.
#3 Thai nhi đạp cho thấy con biết phản ứng với môi trường xung quanh
Khi nào thì em bé của mẹ bầu sẽ máy? Đó là những lúc mẹ thay đổi tư thế như nằm nghiêng, mẹ vừa ăn sáng xong hay đôi khi là những lúc mẹ bầu đang ở nơi có tiếng động hoặc âm thanh quá mạnh. Những hình ảnh siêu âm cho thấy, con cũng sẽ thức giấc vào thời gian này, duỗi chân, duỗi tay, cựa mình để phản ứng lại với những gì bé cảm nhận cũng như thức ăn mẹ đang ăn vào. Tất cả các hành vi phát triển này đã chứng minh được rằng bé hoàn toàn có thể cảm nhận và học hỏi được nhiều thứ ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ.
#4 Nếu mẹ nằm nghiêng, con sẽ đạp mạnh hơn
Nếu thường xuyên quan sát, những lúc mẹ ngồi hoặc nằm nghiêng về phía bên trái, hầu hết các mẹ cảm nhận được rõ ràng là bé hoạt động nhiều và mạnh hơn.
Mẹ có thể yên tâm là không phải mẹ đang nằm đè lên bé đâu. Điều này chỉ đơn giản vì khi ở tư thế nghiêng bên trái, tuần hoàn máu của cơ thế mẹ bầu sẽ tốt hơn, giúp cho thức ăn và oxy đưa đến cho thai nhi cũng được nhiều lên.
Do đó mà nếu mẹ muốn kích thích bé đạp hay muốn cảm nhận chuyển động của con thì hãy chuyển sang tư thế “bên trái” xem sao.
#5 Cử động thai có thể nói lên tính cách sau khi chào đời của con
Một số công trình nghiên cứu về thai nhi đã chỉ ra rằng, mức độ hoạt động và cách bé đạp là chìa khóa quan trọng của phát triển não bộ cũng như tính tình bé sau này. Bé nào đạp mạnh, đạp nhiều ngay từ khi còn trong bụng mẹ thì khi chào đời thường sẽ rất hiếu động và nghịch ngợm. Vậy nên nếu em bé của mẹ hay thích “chạy nhảy” trong bụng mẹ thì e rằng sau này mẹ sẽ khá vất vả với bé trong những năm đầu đời.
#6 Rất có thể thai nhi cũng đang bị căng thẳng khi ít “vận động”
Từ 28 tuần trở đi, việc đếm số lần thai đạp hàng ngày rất quan trọng với tất cả các mẹ bầu. Con đạp ít đồng nghĩa với việc thai nhi có thể đang rơi vào tình trạng căng thẳng nào đó do sự lưu thông máu và oxy không đủ cho bé để các cơ quan quan trọng như não và tim làm việc.
Việc đầu tiên mẹ cần làm là kích thích cho bé đạp như thay đổi tư thế, uống nước lạnh, mát xa bụng hoặc đi dạo. Nếu bé đạp không đủ 10 lần trong 4 tiếng đồng hồ thì mẹ nên đi khám càng sớm càng tốt để đảm bảo về tình trạng sức khỏe của thai nhi.
#7 Con đạp ít đi từ tuần thai 36 không phải là điều quá lo đâu mẹ bầu ơi
Thai nhi đạp ít dần sau khi mẹ cán mốc tuần thai thứ 36 trở đi. Khi bước vào tuần 40, hầu hết các bé chỉ đạp khoảng 282 lần trong 12 tiếng đồng hồ do tử cung đã trở nên quá chật hẹp với kích thước cơ thể con. Điều quan trọng là mẹ cần đếm số lần bé đạp đạt đủ tiêu chuẩn như các bác sĩ sản khoa quy định. Nếu ít hơn 10 lần/4 tiếng đồng hồ là điều đáng lo ngại, mẹ cần đi khám để tìm hiểu nguyên nhân tình trạng sức khỏe thai nhi.
Theo The Asianparent Thái Lan
Xem thêm:
- Con đạp mạnh! Điều này có ý nghĩa như thế nào?
- BÉ ĐẠP ÍT – Làm thế nào để kích thích cho thai nhi những lúc “lười đạp”?
- Cách đếm thai máy dành cho mẹ bầu theo dõi bé yêu được an toàn