5 cách giao tiếp với thai nhi đơn giản này không những giúp bố mẹ hình thành tình cảm với em bé mà còn rất có lợi về mặt kích thích phát triển não bộ cho con sau khi chào đời.
- Thai giáo bằng ánh sáng: Cách dạy thai nhi hiện đại dành cho mẹ bầu
- Vuốt ve bụng mẹ bầu: Cử chỉ đơn giản giúp bé yêu thông minh ngay từ trong bụng mẹ
5 cách giao tiếp với thai nhi giúp con thông minh, hay chuyện ngay từ khi còn trong bụng mẹ
Bước sang tam cá nguyệt thứ 2, khi sự hiện diện của bé ngày càng rõ rệt qua những cú đạp, chiếc bụng tròn lộ rõ của mẹ bầu cũng là lúc thai nhi đang có những mốc phát triển nhanh chóng về hệ thần kinh, thị giác và thính giác. Bé sẽ bắt đầu nghe thấy ở những tuần thai thứ 16 trở đi. Vì vậy, nếu càng giao tiếp nhiều với thai nhi, em bé có thể nhớ được giọng nói của mẹ ngay khi chào đời. Mẹ thường xuyên trò chuyện, đọc sách hay nghe nhạc cho bé sẽ là các cách giao tiếp tuyệt vời để thai nhi được phát triển kĩ năng ngôn ngữ và giao tiếp nhiều hơn.
1. Nói chuyện là cách giao tiếp với thai nhi đơn giản nhưng hiệu quả đến không ngờ
Từ tuần thai thứ 9 trở đi, vành tai và hệ thần kinh thính giác của thai nhi đang dần hình thành. Từ ban đầu còn là một hình hài nhỏ xíu, đến tháng thứ 6 là con đã có thể nghe thấy mọi âm thanh ngoài bụng mẹ. Vậy nên, mẹ bầu hãy chịu khó trò chuyện thường xuyên với em bé trong bụng mẹ nhé.
Đơn giản như khi thức giấc buổi sáng với câu gọi bé con dậy cùng mẹ nào. Những khi rảnh rỗi, mẹ đừng quên kể cho bé nghe hôm nay mẹ đã làm gì và hỏi thăm bé con trong bụng đang thức hay ngủ. Trò chuyện cùng thai nhi, với nhiều mẹ bầu có vẻ là việc hơi ngại ngùng. Nhưng mẹ cứ thử tượng tưởng ra khuôn mặt bé và nhớ rằng bé hoàn toàn có khả năng ghi nhớ giọng nói của mẹ. Điều này sẽ giúp mẹ không còn e dè mỗi lần muốn bắt chuyện với con nữa.
Hay mẹ có thể rủ bố cùng vuốt ve và trò chuyện với thai nhi. Khoảng thời gian này sẽ đem lại cho mẹ cảm giác thư giãn, dễ chịu, từ đó cơ thể sẽ sản sinh ra nhiều hoóc môn oxytocin, giúp bé yêu vừa được tăng lượng máu và oxy đi nuôi nhau thai lại vừa phát triển não bộ hiệu quả.
2. Đọc sách cho thai nhi nghe
Việc đọc sách cho thai nhi bắt đầu có hiệu quả từ tuần thứ 27 trở đi. Khoảng thời gian này con đã nghe được rõ ràng các tiếng động bên ngoài bụng mẹ hơn. Một số công trình nghiên cứu cũng ghi nhận về khả năng học tiếng địa phương và ngoại ngữ của thai nhi qua việc lắng nghe thường xuyên từ mẹ mình. Mẹ có thể dành ra ít phút vào buổi tối, nằm tựa trên gối bầu thật thư giãn và đọc sách thành tiếng cho thai nhi nghe cùng.
Truyện cổ tích, bài thơ hay những quyển sách có nội dung êm dịu, nhẹ nhàng, dễ chịu sẽ là nguồn năng lượng giao tiếp tuyệt vời dành cho các thai nhi.
3. Nghe nhạc cùng em bé trong bụng
Âm nhạc vốn là cách giao tiếp cổ điển nhưng mang lại nhiều hiệu quả cho thai nhi. Mẹ có thể bật nhạc cho bé nghe hoặc dùng tai nghe dành riêng cho thai nhi cũng đều mang lại lợi ích. Mẹ cần lưu ý là không nhất thiết cứ phải nhạc cổ điển mà mọi thể loại nhạc nhẹ nhàng, âm thanh vừa phải, đặc biệt loại nhạc mẹ bầu yêu thích thì đều tốt cho thai nhi.
Vừa nghe nhạc mẹ vừa nhẹ nhàng vuốt ve bụng để kích thích các chuyển động của em bé. Ngoài ra còn một cách nữa là mẹ có thể hát trực tiếp cho bé nghe. Những giai điệu nhạc trữ tình, bài hát dân ca hay lời ru con được xem là cách giao tiếp với thai nhi được nhiều chuyên gia sản khoa đánh giá cao trong việc nuôi dưỡng trí thông minh của một em bé.
4. Vuốt ve bụng mẹ bầu
Thói quen tự nhiên của hầu hết mẹ bầu là thích vuốt ve chiếc bụng tròn của mình. Từ tháng thứ 4 trở đi, khi bé bắt đầu máy cũng là lúc con sẽ cảm nhận được cử chỉ âu yếm này của mẹ. Những lúc rảnh rỗi, mẹ hãy tìm một không gian trong lành, mát mẻ, chỗ ngồi thoải mái rồi dùng đầu ngón tay vuốt thành vòng tròn hoặc dọc theo thành bụng. Nếu bé đã máy giỏi, con sẽ đạp để phản ứng lại với cách nói chuyện này của mẹ bầu.
5. Chơi ú òa bằng đen pin với thai nhi
Phương pháp giao tiếp với thai nhi bằng ánh sáng đang ngày càng trở nên phổ biến với các mẹ bầu hiện đại. Lợi ích tuyệt vời của phương pháp này là giúp bé phát triển thị giác ngay từ trong thai kỳ và có được thói quen thức, ngủ lành mạnh dù chưa chào đời.
Mẹ có thể sử dụng cách giao tiếp này khi bé đã bắt đầu có phản ứng máy (từ tuần thứ 22-25 trở đi). Lúc này bé có khả năng nhìn thấy ánh sáng của đèn pin như chúng ta thấy ánh sáng mặt trời trong lúc nhắm mắt vậy. Điều kỳ diệu là con sẽ chuyển động theo luồng ánh sáng được đưa đến. Một cách nói chuyện với bé thật tuyệt vời phải không mẹ?
Mẹ thấy đấy, 5 cách giao tiếp với thai nhi trên rất đơn giản và dễ thực hiện ở bất kỳ thời điểm hay không gian nào phải không? Một em bé thông minh, nhạy cảm, tinh tế hoàn toàn có thể được nuôi dưỡng ngay từ những giây phút hạnh phúc giản dị như thế này trong bụng mẹ. Trò chuyện cùng mẹ nào bé con ơi!