Rủi ro tiềm tàng nếu bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày
Một bà mẹ tên Trang dành cho một bác sĩ ở Bệnh viện Từ Dũ. “Chào bác sĩ! Em bé em được 1 tháng 11 ngày, từ khi bé sinh đến nay lúc nào bé cũng đi ngoài nhiều lần, nhiều lúc bé ho, bé vặn người cũng ra phân, phân của bé màu vàng, không lỏng, lúc nào đít bé cũng có phân, bé hoàn toàn bú sữa mẹ, em hỏi bé như vậy có sao không,…” Tương tự, các bà mẹ khác cũng thấy lo lắng vì thấy bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần. Các mẹ thường hỏi han những bà mẹ có kinh nghiệm khác hoặc lên các diễn đàn cha mẹ để thảo luận. Hãy cùng đọc bài tổng kết sau để đỡ hoang mang hơn về hiện tượng này nhé!
Bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày với phân “hoa cà hoa cải”
Mỗi trẻ sơ sinh có tần suất đi ngoài khác nhau, có trẻ 1 lần/ngày, có trẻ 3-4 lần /ngày, có trẻ 5-7 lần/ngày là hoàn toàn bình thường. Các trẻ bú mẹ đôi khi đi tiêu rất nhiều lần, đôi lúc chỉ là ít nước màu vàng hoặc vài hạt phân màu vàng lẫn nước (dân gian gọi là phân hoa cà hoa cải) là bình thường. Với độ tuổi dưới 1 tuổi, việc bé đi phân hoa cà hoa cải là hay gặp.
Phân của trẻ bú mẹ thường có màu vàng, sền sệt và có mùi chua. Phân của trẻ ăn sữa ngoài thường có màu vàng nâu như đất sét hoặc có màu xanh, mùi thối, rắn hơn phân của trẻ bú mẹ, đôi khi thành khuôn, số lượng đi ngoài ít hơn trẻ bú mẹ.
Nếu trẻ không sốt, bú bình thường, ngủ bình thường, vẫn lên cân thì cha mẹ hoàn toàn yên tâm, không cần can thiệp xét nghiệm, uống men tiêu hóa mà chính đường tiêu hóa của trẻ sẽ tự điều chỉnh dần. Bởi việc uống men tiêu hóa, kháng sinh hay thuốc cam như dân gian hay dùng vẫn không thể giảm được số lần đi ngoài của trẻ.
Bé sơ sinh đi ngoài như thế nào mới là bất thường?
Nếu bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày kèm theo phân lỏng, ra nước có màu vàng, xanh hoặc nâu thì có khả năng bị tiêu chảy. Mẹ phải cho con bú đầy đủ các cữ trong ngày để tránh mất nước cho con và theo dõi cơ thể con. Nếu thấy hiện tượng ngày càng xấu đi thì nên đưa trẻ đến ngay phòng khám để gặp bác sĩ, tránh trường hợp bé bị tiêu chảy cấp rất nguy hiểm.
Bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần – Nguy cơ tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh
Bệnh tiêu chảy cấp ở trẻ sơ sinh được chia thành 2 loại: Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota gây ra khiến trẻ nôn ói, tiêu chảy kéo dài ; và Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn có kèm theo dịch nhầy và máu khi đại tiện hay còn gọi là kiết lỵ.
Bệnh tiêu chảy cấp do vi rút Rota
Tiêu chảy cấp do Rota virus là bệnh cấp tính do virus gây nên.
Trẻ bị bệnh ban đầu sẽ có triệu chứng của tiêu chảy đi cầu phân lỏng từ 4 lần/ ngày. Sau đó, bệnh tiến triển với các triệu chứng nôn ói, tiêu chảy, đau bụng. Mất nước dễ dẫn tới trụy mạch và tử vong nếu không điều trị kịp thời.
Cụ thể, sau khi bị nhiễm bệnh khoảng 1-2 ngày, trẻ có triệu chứng nôn và tiêu chảy. Nôn xuất hiện trước tiêu chảy khoảng 6-12 giờ và có thể kéo dài 2-3 ngày. Trẻ nôn nhiều vào ngày đầu và giảm dần khi bắt đầu tiêu chảy. Tiêu chảy ngày càng tăng trong vài ngày, sau đó giảm dần, kéo dài từ 3-9 ngày. Các triệu chứng kèm theo như sốt vừa, đau bụng, có thể ho và chảy nước mũi.
Bệnh tiêu chảy cấp do vi khuẩn (Bệnh kiết lỵ)
Đi kiết ở trẻ sơ sinh được xác định là tình trạng nhiễm trùng ở ruột già do vi khuẩn Entamoeba histolyca hoặc do vi khuẩn Shigella gây ra.
Bệnh đi kiết ở trẻ sơ sinh là một dạng tiêu chảy không nôn ói nhiều mà chủ yếu là tiêu chảy kèm đau bụng và mót rặn. Trẻ sẽ đi ngoài rất nhiều lần và luôn cảm thấy mắc rặn. Trẻ thường quấy khóc vì đau rát hậu môn và kèm theo nhu cầu đại tiện một cách cấp thiết.
Bệnh đi kiết ở trẻ sơ sinh thường có biến chuyển nhanh. Sau 24 giờ đau bụng và đi ngoài thì phân sẽ bắt đầu xuất hiện dịch nhầy và máu.
Cách xử trí khi bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày
Ở mỗi cấp độ của bệnh, các mẹ cần có hướng xử lý kịp thời, tránh biến chứng.
Đối với tiêu chảy thông thường
Trẻ có dấu hiệu tiêu chảy có nghĩa cơ thể trẻ đang bị mất nước rất nhanh. Do đó, các mẹ cần tăng cường cho con bú để bù nước cho con. Nếu bạn nhiều sữa, bạn nên vắt bỏ bớt lượng sữa trong đầu dòng. Khi nào đến phần sữa đục thì bạn cho bé bú. Lý do: sữa trong đầu dòng chứa nhiều glycogen. Nếu bé bú quá nhiều sữa trong thì bé sẽ đi tiêu nhiều.
Đối với trẻ đã ăn dặm, sau khi đã bù nước có thể cho tiếp chế độ ăn như trước khi trẻ tiêu chảy. Cần hạn chế rau, nước ngọt, cam vắt. Thức ăn cần nấu kỹ, nhuyễn, chia thành nhiều lần trong ngày.
Với trẻ lớn hơn 6 tháng tuổi, có thể bù nước và điện giải cho trẻ. Có thể tham khảo các loại dung dịch bù nước sau:
- Oresol: Pha với nước theo đúng tỷ lệ rồi cho trẻ uống.
- Nước muối đường: 1 muỗng muối + 8 muỗng đường + 1 lít nước chín.
- Cháo muối: 1 muỗng muối + 1 nắm gạo + 1 lít nước chín đun sôi.
- Nước dừa muối: 1 muỗng muối + 1 lít nước dừa.
Nếu trẻ có sốt thì phải hạ sốt cho trẻ. Trẻ có thể phải sử dụng kháng sinh, nhưng phải được chỉ định của bác sĩ.
Đưa trẻ đến gặp bác sĩ nếu trẻ đi tiêu quá 3 ngày, nôn quá nhiều, sốt cao liên tục không đỡ, v.v…
Ứng phó với tiêu chảy cấp do vi rút Rota
- Nên cho trẻ uống dự phòng vắc-xin Rota từ 2 tháng tuổi.
- Việc điều trị chủ yếu là hỗ trợ cho trẻ tự đề kháng vi rút. Vì thế, cần chú ý cấp nước và dinh dưỡng cho cơ thể con đầy đủ.
- Nếu tình trạng của trẻ không dược cải thiện, trẻ cần phải được nhập viện để theo dõi.
Cần làm gì khi trẻ bị kiết lỵ (tiêu chảy cấp do vi khuẩn)
- Kiết lỵ có chuyển biến rất nhanh trong vòng 24 tiếng. Vậy nên bạn cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ để có cách chữa phù hợp.
- Bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh phù hợp với thể trạng của bé.
- Nếu khẩn cấp, các bác sĩ có thể truyền tĩnh mạch cho bé. Thông qua cách này, các loại muối và chất lỏng sẽ được truyền vào cơ thể nhanh hơn.
Có rất nhiều nguyên nhân khiến bé sơ sinh đi ngoài nhiều lần trong ngày. Bé có thể bị dị ứng thức ăn, tiếp xúc với nguồn lây nhiễm, vệ sinh kém… Do sức đề kháng còn yếu, trẻ sơ sinh rất dễ bị tiêu chảy trong những tháng đầu đời. Vậy nên, bạn hãy bảo vệ sức khoẻ con yêu bằng cách đảm bảo vệ sinh cho bé, tránh để cho bé ngậm tay… Và đừng quên những lưu ý trong bài viết để phân loại bệnh và xử lý kịp thời bệnh cho bé nhé!
Xem thêm:
- Trẻ sơ sinh không đi ngoài – Mẹ nên xử trí như thế nào đây?
- Trẻ bị đi kiết khác gì với trẻ bị tiêu chảy và lời khuyên hữu ích cho bố mẹ
- Viêm ruột ở trẻ em có nguy hiểm không?