Dạy con đánh lại khi bị đánh, có nên không?
“Có người đánh con tôi, rốt cuộc tôi có nên dạy con đánh lại hay không?”. Con tôi đi học toàn bị ăn hiếp, bị cắn, bị đánh, tôi phải làm sao dạy con biết bảo vệ mình? biết phản kháng? biết đánh lại khi cần thiết!
Dạy con đánh lại khi bị đánh, có nên không? – Nếu con bạn có xu hướng bạo lực – bạn sẽ vô cùng lo lắng, nhưng con bạn bị bạo hành bạn chắc chắc sẽ còn lo lắng và sót ruột hơn rất nhiều.
Vì lúc ấy con trở thành nạn nhân phải chịu nhiều sự hành hạ về thể chất cũng như tinh thần. Làm cha mẹ không ai mong muốn hai điều ấy đến với con mình cả!
Dạy con đánh lại khi bị đánh, đôi khi cũng cần thiết
Nhưng trong quá trình phát triển trưởng thành của con, sự va chạm xung đột với bạn bè cùng trang lứa là điều khó tránh khỏi. Đôi khi chúng ta tự hỏi “Hôm nay con bị bắt nạt, bị đánh như vậy, mình có nên dạy con đánh lại bạn không hay dạy con một điều nhịn chín điều lành?”.
Đứng từ góc độ người làm cha làm mẹ, đôi khi chúng ta rất khó xử. Một mặt, vừa sợ con mình bị bắt nạt, mặt khác cũng vừa lo lắng con sẽ thành một đứa trẻ bạo lực, chỉ giải quyết bằng nắm đấm khi xung đột – nếu bản thân phụ huynh cổ vũ, xúi giục con đánh lại bạn. Điều đó có thể hình thành những tính cách bạo lực cho con sau này.
Vậy bạn nên dạy con thế nào đánh hay không đánh! Xin thưa đó là dạy con biết cách phản kháng, bảo vệ mình, đương đầu nhưng không làm mình bị đau, biết rút lui khi có sự nguy hại.
Dưới đây là một số cách cha mẹ nên dạy con từ nhỏ – cho con nhận biết thói quen thế nào là bạo lực, dấu hiệu nhận biết bạo lực, thế nào là bạo hành, và thay vì dạy con đánh lại khi bị đánh thì còn nhiều cách khác văn minh hơn và an toàn hơn.
Ngăn chặn bằng lời nói
Hãy để trẻ học cách dùng lời nói để “đánh lại” hoặc nói lên suy nghĩ của mình đối với những trẻ có hành vi bắt nạt, giọng nói phải kiên định và không có tính công kích. Ví dụ như có thể nói những câu sau đây:
– “Mình không thích bạn làm như vậy!”
– “Không được đánh người!”
– “Đánh nhau là sai!”
– “Không được làm đau tớ!”
Đối với những trẻ còn khá nhỏ, khi xuất hiện những hành vi có tính công kích như chỉ trỏ, đánh đá, trẻ sẽ không hiểu được rằng hành vi của mình sẽ gây tổn thương cho người khác, trẻ chỉ không thể điều khiển được cảm xúc của mình và cũng không biết làm thế nào để bày tỏ cảm xúc thông qua những cách tích cực.
Chính vì vậy, khi con bạn bày tỏ thái độ của mình một cách kiên quyết đối với những trẻ có hành vi công kích thì những hành vi này sẽ dừng lại trong khá nhiều trường hợp.
Hô lớn tiếng
Nếu lời nói không có tác dụng, đối phương vẫn tiếp tục hành vi công kích, tấn công, trong tình huống này, bạn có thể dạy con hô lớn tiếng, ví dụ như:
– “Không được đánh người!!!!!”
– “Dừng tay lại!!!!”
Khi hô những lời này, giọng phải kiên quyết, mắt phải nhìn thẳng đối phương và khoanh tay trước ngực làm tư thế bảo vệ. Nếu đối phương vẫn không dừng lại thì hãy hét lớn để tìm sự giúp đỡ, để mọi người xung quanh và người lớn nghe thấy, ví dụ như “Cô ơi, bạn A đánh người ạ!”, ” Mẹ ơi, bạn đánh con này!”…
Chủ động rời khỏi “nơi không tốt” đó
Dạy con rời khỏi “nơi không tốt” cũng là một cách quan trọng. Khi xảy ra xung đột và có những hành vi tấn công, trẻ không nhất định phải đối đầu gay gắt. Hay khi trẻ nhận biết có những nguy cơ khó tránh khỏi nếu đương đầu lúc này, tốt nhất để giữ an toàn hãy rời đi, một phút anh hùng có thể cướp mất sinh mạng của mình thì tốt nhất hãy rời khỏi chổ ấy!
Có rất nhiều bậc phụ huynh nói rằng nếu không đối kháng lại thì chẳng phải con mình sẽ bị bắt nạt sao? Chẳng phải là quá dễ dàng cho đứa trẻ kia rồi sao? Thật ra là không phải vậy. Chủ động rời khỏi nơi tranh chấp hoàn toàn không phải là nhu nhược và nhát gan mà còn có thể là biểu hiện của sự tự tin, khoan dung và dũng cảm.
Cách này không chỉ có thể giúp bản thân tránh được việc có thể bị tổn thương và cũng có thể khiến trẻ nhận ra nhiều điều khác.
Ví dụ như khi hai đứa trẻ tranh giành chiếc xe hơi đồ chơi, không ai chịu nhường ai cả, một trong hai trẻ bắt đầu dùng hành vi chỉ trỏ hoặc đấm đá, lúc này đứa trẻ còn lại chủ động bỏ đi, có thể trẻ sẽ nhận ra các món đồ chơi khác hoặc chơi với bạn khác vui hơn, chứ chưa hẳn là trẻ nhu nhược, nhút nhác không đương đầu. Tức trẻ chuyển sự chú ý của mình sang điều khác, không quan tâm đến việc cãi vã tranh giành hiện tại.
Đây hoàn toàn không phải là nhu nhược yếu đuối mà là khôn ngoan sáng suốt, khiến trẻ nhìn thấy được những cơ hội khác chứ không chỉ chăm chăm vào một việc nhất thời. Vẫn còn hơn là dạy con đánh lại khi bị đánh, và những hậu quả nghiêm trọng la con có thể bị thương nặng hơn, và chính cha mẹ là người dạy con dùng bạo lực để giải quyết bạo lực.
Nguồn – TH – Trithuc VN
Xem thêm:
- 10 cách dạy con về lòng biết ơn bố mẹ cần áp dụng ngay lập tức
- Chuyên gia tâm lý bật mí cách mẹ nên dạy con gái thành người phụ nữ mạnh mẽ và tự tin
- Học ngay 3 nguyên tắc dạy con biết chờ đợi, không mè nheo chen ngang người lớn