Hướng dẫn mẹ làm nước dùng Dashi bổ dưỡng cho bé ăn dặm kiểu Nhật
Trong ăn dặm kiểu Nhật, nước dashi trong chế biến món ăn vừa giúp món ăn thêm đậm đà, lại vừa bổ sung khoáng chất là sự lựa chọn tuyệt vời của mẹ dành cho bé. Xin hướng dẫn mẹ cách nấu ăn dặm kiểu nhật với các loại nước dùng dashi cho bé.
Nước dùng Dashi trong cách nấu ăn dặm kiểu Nhật
Dashi là tên gọi chung của nước dùng trong ẩm thực Nhật, gồm nhiều loại như: dashi làm từ rong biển kombu, dashi làm từ rau củ quả, dashi làm từ cá khô… Tùy từng món ăn mà người Nhật sẽ chọn những loại nước dashi phù hợp để làm món ăn thêm ngon và hấp dẫn.
Điểm nổi bật nhất trong ăn dặm kiểu Nhật là dùng nước dùng dashi trộn vào cháo và các món khác cho bé. Nước dùng dashi ngoài tác dụng điều chỉnh độ đặc loãng cho món ăn, còn rất bổ dưỡng và đảm bảo cung cấp đủ chất cho bé. Nước dùng dashi có hai loại, loại nấu từ cá bào, rong biển và loại nấu từ rau củ quả.
Ưu điểm nếu mẹ chọn cách cho bé ăn dặm kiểu Nhật
- Trong khi ăn dặm truyền thống thì chỉ hầm xương với rau củ quả với cháo. Dẫn đến việc nhiều bé lớn vẫn ăn cháo, không tự xúc ăn, ăn thô kém, món nào cũng phải cắt nhỏ hoặc ninh mềm, thì ăn dặm kiểu Nhật khắc phục được mọi hạn chế đó.
- Sau khi làm xong, mẹ có thể để các loại nước dùng dashi, nước dùng rau củ có thể cho vào khay đá, để đông lạnh và dùng dần.
- Với ăn dặm kiểu Nhật, bạn chỉ mất một ngày cuối tuần làm đồ ăn cho cả tuần sau đó của bé. Khi đến bữa ăn chỉ việc rã đông rồi thêm vào cháo để người nhà bón cho bé ăn. Ngoài ra các mẹ cũng không phải đau đầu suy nghĩ cho con ăn gì hôm nay, vì chỉ cần mở tủ lạnh ra là có đồ ăn. Phương pháp này cũng hợp với nhu cầu của bé, bé ăn được nhiều món, đa dạng hơn.
Hướng dẫn mẹ cách nấu ăn dặm kiểu Nhật với nhiều loại nước dùng Dashi thơm ngon cho bé
1. Nước dùng dashi từ tảo bẹ (kombu) và cá bào (katsuo)
Nguyên liệu: Khoảng 500 ml nước lọc, 2 miếng kombu (mỗi miếng có chiều dài gần một gang tay, rộng khoảng 3-5 cm), 1/2 chén cá ngừ bào khô (khoảng 10 g).
Cách chế biến:
- Lau sạch lá kombu khô (bằng khăn ẩm, lưu ý không rửa vì lớp phấn bám trên bề mặt kombu chứa rất nhiều chất). Hoặc ngâm trước vào một bát nước sạch khoảng 15-20’ cho tảo bẹ nở ra.
- Cho nồi rong biển lên bếp đun sôi, đun thêm 5 phút thì vớt rong biển ra. Mẹ tránh đun lâu khiến dashi bị đắng.
- Tiếp đến, mẹ cho cá ngừ bào khô vào nồi, chờ cho cá chìm hết xuống thì tắt bếp. Tránh đảo để làm nước dashi bị vẩn đục.
- Mẹ chuẩn bị một rổ mắt dày có trải sẵn khăn giấy. Đặt lên một bát tô để lọc nước dashi. Mẹ cứ để nước dashi chảy từ từ tự nhiên. Không vắt để tránh làm nước dùng bị đắng.
2. Nước dashi củ quả ninh xương
Nguyên liệu: cần tây (1 bó, chỉ lấy phần thân), hành tây (1 củ), củ cải (hoặc cà rốt, 1 củ), xương củ (không nên lấy xương ống và xương sườn)
Cách chế biến: Xương rửa sạch để ráo, trần qua một lần nước sôi cho sạch rồi rửa lại. Cho xương vào nồi, vặn to lửa để nước sôi nhanh, sau đó vớt sạch bọt. Tiếp đến, cho củ cải, hành tây hoặc một chút dứa cho thơm và nhanh nhừ. Khi sủi, mẹ hạ lửa nhỏ liu riu để đỡ mất chất và chất ngọt ra hết.
Cách sử dụng nước dùng dashi và lưu ý cho mẹ
- Khi ăn, mẹ lấy nước dùng ra, quay lò vi sóng cùng rau củ. Có thể trộn chung hoặc để riêng rồi cho bột ăn dặm ăn liền vào cùng (sau khi quay xong còn ấm 50-60 độ) hoặc trộn chung với cháo loãng 1:10.
- Khi ninh xương nấu cháo, mẹ cần cho con ăn cả nước cả cái. Vì dù có được ninh nhừ, đun kỹ đến đâu, lượng vitamin và khoáng chất như đạm, canxi, chất béo… vẫn tồn tại ở bã thịt, chỉ tan rất ít vào nước. Do đó muốn con phát triển tốt, tăng cân nhanh mẹ cần cho con ăn cả nước cả cái.
- Không nên để nước dashi quá lâu trong tủ lạnh. Vì để càng lâu thì càng mất vị thơm ngon.
- Mẹ cũng lưu ý, trong giai đoạn ăn dặm của bé. Nên pha loãng nước dashi để không gây hại cho bé.
Theo theAsianparent
Ảnh bìa: Emdep.vn
Xem thêm